Đề xuất giao Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng tại bãi sông

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều,....

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều 28/5. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều 28/5. Ảnh: Quốc hội

Bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu?

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, về khoản 2 Điều 17 nên giao cho UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi và các tuyến sông có đê trên địa bàn TP, có thể sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp, văn hóa, phát triển nông nghiệp, sinh thái kết hợp với tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng và quỹ đất của TP.

Cùng góp ý vào khoản 2 Điều 17, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu rõ, khoản 2 Điều 17 có quy định về việc khai thác các tiềm năng ở ven sông, trong này có ghi cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ và được xây dựng các công trình ngoài bãi sông nhưng phải tuân thủ theo Luật Đê điều. Nếu ghi được phép xây dựng nhưng lại tuân thủ theo Luật Đê điều sẽ diễn ra tình trạng giống như thời gian vừa qua. Bởi vì hành lang thoát lũ bao gồm phần toàn bộ không gian ngoài đê, trong đó gồm phần để dòng chảy cho đến mùa lũ và phần thứ hai là phần không phải chảy mà chỉ chứa nước, người ta gọi là chậm lũ. Nếu quy định như thế sẽ không còn phần không gian nào được phép khai thác, nên đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị điều chỉnh lại là chỉ có xây dựng, quản lý ở trên phần hành lang dòng chảy vào mùa lũ, không phải toàn bộ hành lang thoát lũ giống như Luật Đê điều quy định chung cho tất cả mọi địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp ngày 11/6. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp ngày 11/6. Ảnh: Quốc hội

Xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp thống nhất cao với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô trình kỳ họp thứ 7 và ý kiến của nhiều đại biểu đã phát biểu. Đại biểu Nguyễn Hải Anh góp ý về quy hoạch xây dựng phát triển thủ đô quy định tại Điều 17. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "môi trường sống trong lành" tại khoản 1 và viết lại khoản này như sau: Quy hoạch chung Thủ đô phải đảm bảo xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường sống trong lành, phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân được sống trong môi trường xanh, sạch, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có những sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng vào hoạt động thường ngày của người dân”.

Chia sẻ tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các đồ án Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô đều đưa nội dung phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô, yêu cầu sử dụng quỹ đất sẵn có tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội một cách hiệu quả, vừa phát huy giá trị cảnh quan, văn hóa, kinh tế, du lịch, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng chống thiên tai, lũ lụt là hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, TP đã xây dựng một số phương án quy hoạch, phát triển sông Hồng đoạn qua TP nhưng gặp không ít vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, một trong những nguyên nhân là do quy hoạch hiện hữu về phòng, chống lũ, quy hoạch về đê điều chậm được nghiên cứu, điều chỉnh và một số rào cản về pháp luật liên quan đến bảo vệ đê điều.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều. Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm không làm cản trở dòng chảy và xây dựng công trình được phép xây dựng theo pháp luật về đê điều (khoản 2 Điều 17).

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-xuat-giao-ha-noi-phe-duyet-du-an-xay-dung-tai-bai-song-384330.html