Đề xuất giờ đi học, đi làm muộn hơn, giờ nghỉ trưa ngắn hơn
'Đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả giờ làm, kỷ cương của công chức, trẻ có thời gian ăn sáng cùng gia đình thay vì vội vã đến trường', ĐBQH Nguyễn Văn cảnh (đoàn Bình Định) phân tích, từ đó đề xuất giờ đi làm đi học không quá 8h sáng và chỉ nghỉ trưa 1 tiếng.
Khi thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) lựa chọn phân tích khung giờ đi học, đi làm mà theo ông hiện có nhiều bất cập. Từ đó, ông đề xuất Quốc hội cho ý kiến với Chính phủ về việc thay đổi khung giờ phù hợp.
Theo đại biểu Cảnh, mặc dù Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi không còn nội dung liên quan đến đổi giờ làm việc, nhưng việc thống nhất giờ làm việc với các cơ quan hành chính trên cả nước, theo ông thấy là không phù hợp khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tác phong làm việc, mức độ hiện đại hóa còn khác nhau ở nhiều vùng, nhiều cấp.
Ông Cảnh dẫn số liệu, trên thế giới cũng như châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng được áp dụng đồng bộ từ các cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Ngay tại tỉnh Bình Định, hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nước ngoài làm việc lúc 8h30 hoặc 9h.
Một dẫn chứng khác được vị đại biểu này nêu là khảo sát từ một tờ báo với hơn 23.000 độc giả về ý kiến thay đổi khung giờ làm, giờ học. Theo đó, chỉ có 14% chọn khung 7h30, 33% chọn khung 8h, còn lại 53% chọn khung 8h30. “Điều này cho thấy có nhiều sự ủng hộ đối với đề xuất đổi giờ học, giờ làm vì vậy chúng ta cần tiếp tục xem xét" - Đại biểu Cảnh nói
Phân tích khung giờ phân bổ hiện tại, ông thẳng thắn cho rằng đây là khung thời giờ của các nước nông nghiệp và áp đặt cho đô thị đang phát triển, từ đó gây nhiều bất cập về giao thông, chất lượng làm việc, kỷ cương công chức.
Một khía cạnh nữa liên quan đến trẻ em, gia đình mà theo ông, khung giờ làm việc hiện tại ảnh hưởng không nhỏ. Các thành viên trong gia đình ngày nay, đặc biệt là ở đô thị ít có thời gian chia sẻ với nhau. Từ sáng sớm cả nhà đi học, đi làm, bữa cơm chiều nhiều khi không đủ các thành viên cũng nhanh chóng mỗi người mỗi việc về phòng của mình, ít chia sẻ với nhau... “Tại sao phải đi làm sớm để không lo được bữa ăn cho bản thân, cho gia đình? Tại sao lại lãng phí thời gian nghỉ trưa dài, thời gian đi lại mà không dành thời gian để chăm sóc cho gia đình, quan tâm đến việc học, suy nghĩ của trẻ” - ông băn khăn.
"Nhiều con em có hành vi bạo lực, lối sống trầm cảm, có nguyên nhân chính là do sự thiếu chăm sóc của cha mẹ. Bữa cơm gia đình là không gian, thời gian quý báu để dạy trẻ điều hay lẽ phải, uốn nắn trẻ bỏ đi các thói xấu từ bạn bè, những tiêu cực từ sống ảo" - theo đại biểu Cảnh.
Với riêng trẻ nhỏ, ông Cảnh cho rằng, khoa học đã chỉ ra 7-9h sáng là thời gian hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất, đây cũng là thời gian để não hoạt động thiên về cảm xúc, nên ăn sáng vào thời gian này là phù hợp về tâm sinh lý và cũng nên là bữa ăn chính của gia đình. Nghỉ trưa 20-30 phút là đủ thời gian phục hồi năng lượng, tỉnh táo cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc.
“Đổi giờ học, giờ làm không phải chỉ để góp phần giải quyết giao thông ở các đô thị lớn mà cái lớn hơn nhiều đó là nâng cao hiệu quả giờ làm việc, giúp xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, giúp cải cách hành chính, bảo đảm sức khỏe tinh thần và thể chất cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội theo hướng văn minh hiện đại. Tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính TƯ và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng và chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với giờ làm” - Đại biểu Cảnh đề xuất.
Khó thống nhất chung cả nước
Trao đổi về điều này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đây là ý kiến cần tham khảo. Tuy vậy, điều mà ông băn khoăn là để quyết định thay đổi giờ làm, cần tính tới việc bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ để tránh ùn tắc giao thông. “Bố trí giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hòa với vấn đề ùn tắc giao thông" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Liên quan đến việc thu ngắn giờ nghỉ trưa 1 tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng điều này khó khả thi, bởi “anh em cũng tranh thủ giờ làm trưa, ở cơ quan cũng đâu có chỗ nghỉ, ăn cơm xong làm việc ngay, còn việc về sớm là để lo rước con cái đi học về. Đó là nhu cầu, sắp xếp hợp lý”.
Cũng theo Bộ trưởng Tân, Bộ Nội vụ chưa có khảo sát, đánh giá nào về việc thay đổi giờ làm. Theo ông, giờ làm hành chính phải phù hợp với nhiều cơ quan. Phía Bắc giờ làm việc bắt đầu từ 8h nhưng phía Nam bắt đầu từ 7h hoặc 7h30 do đặc điểm tình hình. “Thống nhất chung cả nước thì rất khó mà nên quy định vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù" - ông nói.
Với đội ngũ công nhân viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, dù thay đổi khung giờ hay không thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày. Quan điểm của ông là hiện có không ít cán bộ công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn. “Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm", Bộ trưởng nhấn mạnh