Đề xuất Hà Nội cho phép xe khách, buýt thường được đi vào làn BRT
Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố cho phép xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, xe buýt thường… được lưu thông trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT.
Báo cáo UBND TP Hà Nội về đề xuất điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến buýt nhanh BRT 01, Sở GTVT Hà Nội thông tin, tuyến BRT01 lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã.
Hiện tại, xe buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.
Trên tuyến 14,77km, ngoài 3 đoạn tuyến xe BRT lưu thông hỗn hợp thì tuyến BRT được bố trí chạy trong làn dành riêng, có vạch sơn kết hợp với lắp dải phân cách cứng tại 3 nút giao thông gồm: Giảng Võ, Hoàng Đạo Thúy và Khuất Duy Tiến; Các nút giao thông được bố trí pha đèn và tổ chức phù hợp, tạo điều kiện cho BRT vận hành, trên toàn tuyến duy trì cấm xe dừng đỗ và cấm taxi vận hành trong giờ cao điểm.
Về tình hình giao thông trên tuyến, Sở GTVT cho hay, tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT. Một số nút giao thường xuyên ùn ứ gồm: Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Tố Hữu - Trung Văn; Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến do đang rào chắn để phục vụ thi công hầm chui Lê Văn Lương, diện tích mặt đường bị thu hẹp trong khi lưu lượng phương tiện lớn.
Do vậy, Sở GTVT đề xuất phối hợp với Ban QLDA công trình giao thông TP Hà Nội điều chỉnh, tổ chức giao thông cục bộ khu vực thi công để cải thiện thi công.
Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh nguyên nhân ùn ứ do lư lượng phương tiện giao thông tham gia lớn, nhu cầu phương tiện rẽ trái từ Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh rất cao. Hiện đã tổ chức lại giao thông thí điểm từ ngày 18/6, Sở GTVT sẽ theo dõi và điều chỉnh cho phù hợp.
Còn với nút giao Tố Hữu - Trung Văn, nguyên nhân ùn tắc do lưu lượng phương tiện cao, từ khu vực nút giao Trung Văn. Hiện, Sở GTVT đang chờ được phân bổ kinh phí để xén mở rộng mặt đường từ nút giao Trung Văn đến Vũ Trọng Khánh; điều chỉnh điểm quay đầu và xén hè mở rộng lòng đường khu vực tòa nhà Bắc Hà.
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, Sở GTVT Hà Nội đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT cho phép các phương tiện lưu thông vào gồm" xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, hợp phần xe buýt nhanh BRT01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu.
Vì vậy, để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở GTVT kiến nghị với TP Hà Nội có ý kiến thống nhất với WB.
Người dân kiến nghị cho ô tô đi vào làn BRT
Hơn 6 năm đưa vào vận hành cho thấy hiệu quả khai thác của tuyến buýt nhanh BRT ở mức khiêm tốn trong khi tuyến buýt này được hưởng nhiều "đặc quyền". Nhiều chuyến trong khung giờ cao điểm xe ít khách nhưng vẫn được dành riêng một làn đường trong khi tại phần đường còn lại thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.
Nhiều người dân kiến nghị UBND TP Hà Nội cần xem xét tuyến buýt nhanh có nên tồn tại hay không đề dành phần đường cho các phương tiện khác, tránh ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông như hiện nay.
Cụ thể, nên để xe ô tô con được đi vào làn xe BRT bởi vì làn xe này được thiết kế ở trong cùng (sát dải phân cách giữa, hoặc sát tim đường), chứ không ở ngoài cùng (sát vỉa hè đường phố) như nước ngoài.
Một số ý kiến còn cho rằng, để lãng phí tiền của Nhà nước nên kết thúc vai trò lịch sử của BRT, chỉ cần dùng xe buýt thường cho nhu cầu sử dụng của người dân hiện nay là đủ.
Nhật Tân