Đề xuất hình thức, cách thức ưu đãi thuế phù hợp
TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông đưa ra nhiều đề xuất để tạo tính đột phá, vượt trội cũng như thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi);
Hình thức ưu đãi thuế đang áp dụng khá đa dạng
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, hiện nay, các hình thức ưu đãi thuế đang áp dụng ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm cả ưu đãi về thuế trực thu và ưu đãi về thuế gián thu. Cũng tương tự như nhiều nước trên thế giới, mục tiêu áp dụng chính sách ưu đãi thuế là nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.
Có thể thấy, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chủ yếu là các loại hình ưu đãi xác định dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp (DN), trong đó, ưu đãi về giảm mức thuế suất, áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế là phổ biến nhất. Các hình thức ưu đãi thuế khác như giảm trừ số thuế thu nhập DN phải nộp, giảm trừ thu nhập chịu thuế thu nhập DN theo đầu tư hiện chưa được áp dụng ở Việt Nam, mặc dù theo nhiều nghiên cứu, tính minh bạch của các loại hình ưu đãi này cao hơn so với ưu đãi về kỳ miễn, giảm thuế.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo thống nhất trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Thuế và các văn bản liên quan. Theo đó, Luật Đầu tư đã quy định cụ thể đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 quy định điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các đối tượng quy định tại Luật Đầu tư.
Mặt khác, hiện nay, chính sách ưu đãi thuế, đất đai hiện hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN đều đã được quy định cụ thể tại Luật về thuế do Quốc hội ban hành để áp dụng thống nhất, bình đẳng giữa các DN, tổ chức hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, khu vực cần ưu tiên.
Đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật văn bản chuyên ngành và văn bản quy phạm pháp luật quy định chung có sự chồng lắp khi điều chỉnh cũng một vấn đề. Vì vậy, nếu tuân thủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp luật chung và luật chuyên ngành cùng liên quan đến một vấn đề, nếu văn bản chuyên ngành ban hành sau văn bản quy định chung thì việc lựa chọn văn bản chuyên ngành để áp dụng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thứ ba, nhưng nếu văn bản chuyên ngành ban hành trước văn bản quy định chung thì lựa chọn văn bản nào để áp dụng là vấn đề khó khăn và tiềm ẩn khả năng áp dụng pháp luật không thống nhất.
Vì vậy, để tạo tính đột phá, vượt trội cũng như sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất: (i) thay vì ưu đãi thuế suất (đã có quy định trong Luật Thuế hiện hành hoặc dự kiến quy định trong các đợt sửa đổi, bổ sung), nghiên cứu các giải pháp kéo dài thời gian áp dụng ưu đãi thuế một cách hợp lý; (ii) nghiên cứu áp dụng các giải pháp hỗ trợ tín dụng thuế đầu tư thay vì ưu đãi trực tiếp bằng việc giảm thuế suất và kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi.
Theo đó, Nhà nước cho phép các DN (hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, thu hút) được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh. Có thể hiểu DN sẽ được vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp DN đầu tư phát triển, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế.
Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược. Và cần có quy định cụ thể, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên.
Về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Thành phố Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. TS Vũ Như Thăng đề xuất, vẫn nên áp dụng mức trần vay nợ để đảm bảo khả năng trả nợ, cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển với khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác và quy mô thu ngân sách. Để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo sự đột phát cho địa phương, có thể quy định mức trần vay nợ từ 150 - 200% tổng thu ngân sách hưởng theo phân cấp.