Đề xuất hơn 1.300 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo đường sắt qua đèo Hải Vân
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT cấp bách triển khai đầu tư, nâng cấp gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân.
Theo lãnh đạo VNR, cơn bão số 5 (tên quốc tế là Sơn Ca) ngày 14/10/2022 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực miền Trung, đặc biệt là khu vực đèo Hải Vân. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khẩn trương huy động lực lượng, thiết bị khắc phục và đến 11h48 ngày 16/10/2022 đã thông tuyến để chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM.
Ảnh hưởng từ cơn bão Sơn Ca nói riêng và mưa bão thường xuyên hàng năm đã gây sạt lở, phá hoại kết cấu hạ tầng đường sắt trên khu vực đèo Hải Vân vốn đã xuống cấp, chưa được kịp thời đầu tư đúng mức, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn công trình và an toàn chạy tàu.
Đầu tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các đơn vị có liên quan (Cục Đường sắt Việt Nam, VNR, các đơn vị đường sắt...) đã kiểm tra hiện trường, đánh giá hiện trạng chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, xác định thiệt hại, hư hỏng khu vực đèo Hải Vân.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trên đoạn tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân đã xuất hiện khoảng 20 điểm sạt lở gây hư hại kết cấu hạ tầng đường sắt và tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khai thác nếu không được sửa chữa, gia cố kịp thời.
Để đảm bảo an toàn chạy tàu và nâng cao hiệu quả khai thác, VNR đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, ưu tiên bố trí khoảng 1.332 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho các công trình khu vực đèo Hải Vân gồm gia cố mái taluy các đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây mất an toàn (20 vị trí); cải tạo đường sắt trên tuyến, đường ga (16,31km); cải tạo công trình cầu (15 cầu, tổng chiều dài 358m); cải tạo 3 hầm với tổng chiều dài 1.667m.
Giai đoạn trước mắt, VNR đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để ưu tiên đầu tư một số vị trí xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao như gia cố mái taluy, sửa chữa cải tạo môt số cầu, cống bị hư hỏng, sửa chữa cải tạo hệ thống thoát nước, thay thế kiến trúc tầng trên một số vị trí… nhằm đảm bảo an toàn khai thác với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng và giao cho Tổng công ty triển khai thực hiện trong các năm 2023-2024.
Được biết, năm 2007, do ảnh hưởng của mưa bão, khu vực đèo Hải Vân đã bị hư hại nghiêm trọng, nhiều điểm trên tuyến bị sạt lở, vùi lấp đường sắt, điển hình là hầm số 13 bị sạt lở vùi lấp hoàn toàn đường sắt cửa hầm, vận tải đường sắt bị gián đoạn nhiều ngày. Tổng công ty đã triển khai sửa chữa, gia cố khoảng 50 hạng mục công trình trên toàn đoạn tuyến trong các năm 2008 và 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng (thời điểm năm 2009).
Gần đây, trong quá trình thực hiện nâng cấp đường sắt Hà Nội-Tp.HCM bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 (dự án 7.000 tỷ) và giai đoạn 2021-2025, đường sắt khu vực đèo Hải Vân chưa được ưu tiên xem xét đầu tư đúng mức. Phần kết cấu hạ tầng trực tiếp chạy tàu (đường sắt, cầu cống, hầm…) về cơ bản đã xuống cấp.
Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng chưa đáp ứng đủ nhu cầu (mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%) nên chất lượng kết cấu hạ tầng trên khu đoạn vẫn còn rất nhiều hạn chế, là điểm nghẽn về năng lực khai thác trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM, đặc biệt là thường xuyên phải khai thác với tốc độ rất thấp (5km/h, 15km/h) để đảm bảo an toàn.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, báo Đầu tư)