Đề xuất không được yêu cầu chụp ảnh căn cước để xác thực tài khoản mạng xã hội

Bộ Công an đã đề xuất quy định, không được yêu cầu chụp ảnh thẻ căn cước làm yếu tố xác thực tài khoản mạng xã hội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo báo An ninh thủ đô, tại dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đã đề xuất quy định, không được yêu cầu chụp ảnh thẻ căn cước làm yếu tố xác thực tài khoản mạng xã hội.

Cụ thể, Điều 31 dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định về việc Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội và dịch vụ truyền thông trực tuyến (OTT) đã nêu rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội và dịch vụ OTT bao gồm:

Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại thị trường Việt Nam: Bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam khi hoạt động tại thị trường Việt Nam hoặc xuất hiện trên kho ứng dụng di động cung cấp cho thị trường Việt Nam;

Minh bạch trong việc thu thập dữ liệu: Thông báo rõ ràng nội dung dữ liệu cá nhân thu thập khi chủ thể dữ liệu cài đặt và sử dụng mạng xã hội, dịch vụ OTT. Không thu thập trái phép dữ liệu cá nhân và ngoài phạm vi theo thỏa thuận với khách hàng;

Không yêu cầu ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân: Không được yêu cầu chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân làm yếu tố xác thực tài khoản;

Lựa chọn "không theo dõi": Cung cấp lựa chọn “không theo dõi” hoặc chỉ được theo dõi hoạt động sử dụng mạng xã hội, dịch vụ OTT khi có sự đồng ý của người sử dụng;

Thông báo về chia sẻ dữ liệu cá nhân và quảng cáo: Thông báo cụ thể, rõ ràng, bằng văn bản về việc chia sẻ dữ liệu cá nhân cũng như áp dụng biện pháp bảo mật khi thực hiện hoạt động quảng cáo, tiếp thị dựa trên dữ liệu cá nhân của khách hàng;

Cấm nghe lén, ghi âm, đọc tin nhắn không có sự đồng ý: Nghe lén, nghe trộm hoặc ghi âm cuộc gọi và đọc tin nhắn văn bản khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo dự thảo Luật, dữ liệu cá nhân đăng ký tài khoản mạng xã hội, dịch vụ OTT không phải là dữ liệu công khai và không thuộc trường hợp được xử lý mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho hay, tại Điều 3 của dự thảo quy định về “Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân”, theo đó, hoạt động liên quan đến dữ liệu cá nhân cần đảm bảo những nguyên tắc sau:

Dữ liệu cá nhân được xử lý công khai, minh bạch. Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.

Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý.

Dữ liệu cá nhân được cập nhật, bổ sung phù hợp với mục đích xử lý.

Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật.

Dữ liệu cá nhân chỉ được lưu trữ trong khoảng thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải chịu trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc xử lý dữ liệu được quy định từ khoản 1 tới khoản 6 Điều này và chứng minh sự tuân thủ của mình với các nguyên tắc xử lý dữ liệu đó.

Những “Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân” nêu trên là một trong những hành lang pháp lý quan trọng về bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu về quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, và ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân và tổ chức.

Bảo Vy (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/de-xuat-khong-duoc-yeu-cau-chup-anh-can-cuoc-de-xac-thuc-tai-khoan-mang-xa-hoi-13343.html