Đề xuất không nên ghi tên cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội vào Hiến pháp

Chuyên gia đề xuất không nên ghi tên cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội vào Hiến pháp khi sửa Điều 9, vì trong tương lai, tên gọi của các tổ chức này có thể thay đổi.

Ngày 14-5, Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý vào việc sửa Hiến pháp 2013. Các thành viên Hội đồng đã bày tỏ nhiều quan điểm thẳng thắn và đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo lại Bộ Chính trị, Trung ương các góp ý của mình.

Không nên ghi tên cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội vào Hiến pháp

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Ban Biên tập Hiến pháp 2013, nói việc Trung ương chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân là cơ hội để hoàn thiện việc sửa Hiến pháp lần này. Nhớ lại lần sửa Hiến pháp cách đây hơn 10 năm, ông Phúc nói có những vấn đề như đưa tên tổ chức chính trị - xã hội vào Hiến pháp, Trung ương phải họp tới hai lần.

Với tinh thần ủng hộ cơ bản về chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, ông Phúc nói không nên ghi tên cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội vào Hiến pháp khi sửa Điều 9, vì trong tương lai, tên các tổ chức này có thể thay đổi.

“Công đoàn nhiều lần thay đổi tên. Tới đây, Hội Cựu chiến binh có thể đổi thành Hội Cựu chiến binh và quân nhân thì sao? Đảng có thể sẽ thành lập thêm các tổ chức chính trị - xã hội, như Hội Cựu CAND vừa rồi…”, ông Phúc nêu và nhấn mạnh ý này vì có thể công cuộc cải cách sẽ vẫn tiếp tục.

Ông Phúc phân tích từ tính chất liên minh, tự nguyện, phối hợp, hiệp thương của Mặt trận và cho rằng các tổ chức chính trị - xã hội không nên quy định là “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho đến khi Đảng sửa Cương lĩnh.

 Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng công cuộc cải cách của Đảng sẽ vẫn tiếp tục. Ảnh: C.LUẬN

Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng công cuộc cải cách của Đảng sẽ vẫn tiếp tục. Ảnh: C.LUẬN

Các thành viên Hội đồng như GS Nguyễn Đăng Dung, ông Nguyễn Túc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng đồng quan điểm này.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: nếu các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc thì sẽ theo mô hình “cấp trên – cấp dưới”, có tính tuân thủ, khác với bản chất của Mặt trận là “hiệp thương dân chủ”.

“Các tổ chức đều hoạt động theo điều lệ nên nếu quy định hoạt động trong hoặc thuộc Mặt trận Tổ quốc thì hợp lý hơn”, ông Dĩnh nói.

Không ngờ cuộc cách mạng lại nhanh đến thế

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, cho rằng quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, trong đó có tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là một quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên gần dân, sát dân hơn.

Cụ thể, nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của Mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

“Nội dung này đã được đề cập trong Cương lĩnh chính trị của Đảng trước đây, bây giờ được đưa vào trong Hiến pháp là hoàn toàn hợp lý”- ông Túc nói.

Theo ông Túc, các quy định về việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; cũng như đề cập, nhấn mạnh đến công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Quy định như vậy là phù hợp với bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 Ông Nguyễn Viết Chức kiến nghị Quốc hội khóa XVI nên sửa toàn diện Hiến pháp 2013. Ảnh: C.LUẬN

Ông Nguyễn Viết Chức kiến nghị Quốc hội khóa XVI nên sửa toàn diện Hiến pháp 2013. Ảnh: C.LUẬN

Cho rằng việc sửa Hiến pháp lần này rất gấp, nếu không có gì lớn thì có thể thông qua vì “có mời 10.000 GS cũng không làm hoàn hảo được”, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng "tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính là cuộc cách mạng".

“Tôi không ngờ lại tiến hành nhanh đến thế. Tôi đồng tình với Tổng Bí thư Tô Lâm là phải làm vì có nhiều cái nói mãi rồi mà không làm. Có thể chưa hoàn hảo nhưng phải thông qua việc sửa Hiến pháp kịp thời để triển khai các định hướng lớn…”, ông Chức nói.

Theo ông, chuyện lập hiến, lập pháp còn là câu chuyện văn hóa. Việc sửa Hiến pháp này cũng phải thể hiện điều đó thông qua việc lấy ý kiến những người có kinh nghiệm làm Hiến pháp.

“Tôi kiến nghị Quốc hội khóa XVI ngay sau khi được bầu lập tức tiến hành sửa đổi toàn diện Hiến pháp 2013 để phục vụ công cuộc đổi mới lần 2, sau đổi mới lần 1 tại Đại hội VI của Đảng. Đổi mới lần 2 rất ghê gớm nên phải làm như thế mới được”, ông Chức nói.

Hiến pháp là báu vật quốc gia

Chúng ta rất đồng tình với chủ trương của Đảng về xây dựng bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Vì vậy, cần sửa Hiến pháp để có cơ sở hiến định thực hiện chủ trương đó. Hiến pháp thể hiện chủ quyền nhân dân.

Chúng tôi đi giảng hay nói Hiến pháp là báu vật quốc gia. Vì vậy, sửa Hiến pháp 2013 lần này sửa càng ít càng tốt, sửa những điều không thể không sửa như Điều 110 về chính quyền 3 cấp. Còn việc sửa để làm sâu sắc hơn, chính xác hơn thì chưa nên vội sửa, để chờ có Cương lĩnh mới thì sửa tổng thể.

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-khong-nen-ghi-ten-cu-the-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-vao-hien-phap-post849762.html