Đề xuất không thi hành tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ

Tại dự thảo Luật Dẫn độ mới nhất, Bộ Công an đã đề xuất, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.

Dự thảo Luật Dẫn độ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về dẫn độ có điều kiện, trong đó thông báo không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ.

Cụ thể, theo dự thảo luật, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước.

Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình. Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.

 Cơ quan chức năng Việt Nam trao trả đối tượng phạm tội cho phía nước ngoài. Ảnh minh họa

Cơ quan chức năng Việt Nam trao trả đối tượng phạm tội cho phía nước ngoài. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Dẫn độ còn quy định về không truy cứu trách nhiệm hình sự, không thi hành án đối với người bị dẫn độ ngoài tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ; không dẫn độ cho nước thứ 3; trừ các trường hợp: nước được yêu cầu đã đồng ý trước đó bằng văn bản; người bị dẫn độ đã không rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người đó được tự do rời đi; người bị dẫn độ đã tự nguyện quay trở lại sau khi đã rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ.

Trong khi đó, trả lời Báo SGGP về vấn đề tương trợ tư pháp hình sự hiện nay giữa Việt Nam với các nước, đại diện Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, các nước hiện đang thực hiện tương trợ tư pháp trên cơ sở các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà các quốc gia là thành viên. Việt Nam thực hiện trên nguyên tắc Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tương trợ tư pháp.

Hiện nay, Bộ Công an là đầu mối tiếp nhận, xử lý các yêu cầu về tương trợ tư pháp hình sự. Trong quá trình thực hiện, Việt Nam đã ký kết về tương trợ tư pháp hình sự với 30 nước trên thế giới. Việt Nam cũng là thành viên của nhiều công ước Liên Hợp quốc về phòng chống tội phạm; Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước ASEAN. Đây là hành lang pháp lý để Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp hình sự.

Tuy vậy, theo đại diện Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, việc tương trợ tư pháp vẫn còn có những khó khăn. Cụ thể, việc ký kết hiệp định tương trợ tư pháp của Việt Nam với các nước mới chỉ ký được 30 nước theo diện song phương và với các nước ASEAN. Có những quy định, những hiệp định đã ký từ lâu (từ những năm 1980), đến nay có nhiều sự thay đổi, cần điều chỉnh. Bên cạnh đó, các hiệp định chung nhiều lĩnh vực, ký trước năm 2000 cả về hình sự, dân sự…, trong thực tiễn ở Việt Nam cần phải tách ra từng lĩnh vực.

Trong khi đó, các yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam gửi đi các nước thường mất nhiều thời gian, trong khi giải quyết các vụ án, vụ việc cần tuân thủ theo luật định về thời gian.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-xuat-khong-thi-hanh-tu-hinh-voi-nguoi-bi-yeu-cau-dan-do-post789952.html