Đề xuất không trừ tỷ lệ hưởng với người thừa năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu
Công đoàn đề nghị nghiên cứu, bổ sung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định hoán đổi năm đóng bảo hiểm xã hội vượt quá để người nghỉ hưu sớm không bị trừ tỉ lệ hưởng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó kiến nghị nhiều nội dung liên quan tới quyền lợi của người lao động.
Đáng chú ý, liên quan đến tuổi hưởng chính sách hưu trí, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị không trừ % hoặc trừ tối đa 1% tỉ lệ hưởng lương hưu đối với người chưa đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, mỗi năm đóng thêm bảo hiểm xã hội sẽ được tính trừ 1 tuổi nghỉ hưu sớm.
So với quy định hiện hành, người lao động được lợi hơn khi không bị trừ tỉ lệ 2% do nghỉ hưu trước tuổi.
Từ năm 2018, tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở nữ tăng từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm. Trường hợp nghỉ hưu nhưng chưa đủ tuổi đời theo quy định sẽ bị giảm trừ tỉ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (trừ 2%/năm nghỉ hưu trước tuổi).
Bộ luật Lao động 2019 nêu người lao động trong điều kiện bình thường tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và từ 55 lên 60 với nữ. Để tránh tăng sốc, từ năm 2021 mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, 4 tháng làm việc với nữ tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Công đoàn cho rằng cần có lộ trình để người đủ 15 tuổi trở lên, có lao động và tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội để tăng diện bao phủ an sinh, đồng thời nêu rõ trường hợp chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho người lao động.