Đề xuất lao động bị cắt giảm do tinh gọn bộ máy được hỗ trợ đào tạo nghề

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị xem xét bổ sung các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ việc làm trong Luật Việc làm (sửa đổi).

Sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật.

Ông Vinh cho biết về cơ bản, dự thảo luật trình Quốc hội bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.

Dự thảo luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quốc hội

Góp ý vào dự luật, ông Trần Văn Khải - đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam - cho rằng vai trò kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng.

“Khu vực tư nhân hiện thu hút khoảng 82% lực lượng lao động, mục tiêu đến 2030 đạt 84-85%” - ông Khải nêu rõ và nhận định "nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, thì tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế".

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cụ thể hóa định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong luật, như: quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động.

Trong khi đó, ông Thạch Phước Bình - đại biểu tỉnh Trà Vinh - băn khoăn về những trường hợp người lao động bị cắt giảm do quá trình sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị. Theo ông, những người này cũng cần được đào tạo nghề lại để chuyển đổi công việc. Cùng với đó là nhóm lao động bị mất việc do sự phát triển của công nghệ như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đại biểu tỉnh Bình Dương - cũng đồng tình với ý kiến cần làm rõ hơn quy định hỗ trợ cho đối tượng lao động bị tác động từ quá trình tinh gọn bộ máy, cũng như nhóm đối tượng lao động phi chính thức như lao động tự do, tài xế công nghệ…

Phát triển thị trường lao động ở tất cả các thành phần kinh tế

Tiếp thu ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với nội dung dự luật đưa ra. Cơ quan soạn thảo sẽ xem xét kỹ lưỡng các kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật này.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân; nội dung việc làm trong đột phá về đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

“Việc làm là một trong hai trụ cột phát triển bao trùm và bền vững. Do đó, các khái niệm cần được làm rõ, như việc làm hiệu quả với năng suất chất lượng, việc làm đầy đủ, việc làm hợp lý, việc làm bền vững… Đồng thời, cũng cần làm rõ việc phát triển thị trường lao động ở tất cả các thành phần kinh tế” - bà Thanh nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát quy định về cơ sở dữ liệu việc làm; các điều kiện hưởng trợ cấp chính sách và bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách; căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn quyền nghĩa vụ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các chủ thể trong Luật Việc làm (sửa đổi).

Dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được biểu quyết vào chiều 11/6 tới.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-lao-dong-bi-cat-giam-do-tinh-gon-bo-may-duoc-ho-tro-dao-tao-nghe-2398587.html