Đề xuất lộ trình để lao động từ đủ 15 tuổi đều tham gia bảo hiểm xã hội
Theo TS. Trần Văn Khải, cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập tiền lương đều tham gia bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Tại phiên thảo luận ở tổ, ĐBQH, TS. Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đánh giá, về cơ bản dự thảo đã thể chế hóa được quan điểm của Đảng về phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động;
Bên cạnh đó, TS. Trần Văn Khải cũng lưu ý, sửa luật lần này làm sao để BHXH thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh - xã hội, bảo đảm quyền con người theo hiến pháp 2013.
Nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh
Liên quan đến đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, dự thảo đã quy định chi tiết và bao phủ đầy đủ các đối tượng. Tuy nhiên theo ông Khải, mục tiêu của Nghị quyết 28 của Trung ương là mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới BHXH toàn dân.
Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
“Lần này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến”, ông Khải đề nghị.
Đồng thời cần hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc.
“Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân”, ông Khải nhận định.
Theo đó, ĐBQH đoàn Hà Nam nêu quan điểm, dự thảo luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường.
Từng bước chuyển dần thu BHXH qua thuế và công nghệ thông tin, như chương trình VSSID mà ngành BHXH đang thực hiện. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện BHXH số, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng mức độ hài lòng, tạo minh bạch, công khai và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ
Về giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu, theo đại biểu, phương án này là phù hợp, rất tốt cho người lao động; nhưng thời gian tham gia ngắn chắc chắn là lương hưu thấp vì nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng.
Mục tiêu BHXH toàn dân, nhưng giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ; mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển, hoặc làm việc gián đoạn có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già.
Tuy nhiên, ông Khải đề nghị dự thảo luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng, nếu như quy định trong dự thảo thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp.
“Cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu”, TS Khải lưu ý.