Đề xuất loạt chính sách giúp doanh nghiệp hàng hải thoát 'bão giá' xăng dầu
Nhiều cơ chế giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp hàng hải giảm thiệt hại trong thời gian giá nhiên liệu tăng cao đã được đề xuất.
Cục Hàng hải VN vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc về rà soát, đánh giá tình hình, xu thế biến động giá nhiên liệu đối với lĩnh vực vận tải hàng hải.
Cục Hàng hải cho biết, từ năm 2021, giá dầu trên thế giới bắt đầu gia tăng, mức tăng trung bình khoảng 67,3% so với năm 2020.
Đến đầu năm 2022 giá dầu tiếp tục tăng cao đỉnh điểm do căng thẳng chính trị của một số nước trên thế giới, đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Đối với lĩnh vực vận tải, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của doanh nghiệp, khoảng 35-50% trong cơ cấu giá thành, giá nhiên liệu tăng sẽ tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và giá vận tải”, Cục Hàng hải đánh giá, đồng thời cho biết, theo hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo, giá nhiên liệu sẽ còn tăng do tác động của chiến tranh quân sự giữa một số nước trên thế giới, chiến tranh kinh tế giữa các cường quốc kinh tế.
Nền kinh tế của các nước phục hồi sau khi kiểm soát được bệnh dịch, nhu cầu tiêu thụ tăng lên cũng là một trong số các nguyên nhân tăng giá nhiên liệu.
Trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp, Cục Hàng hải kiến nghị Bộ GTVT, các bộ ngành, Chính phủ xem xét kiểm soát mức tăng giá nhiên liệu ở mức vừa phải bằng các biện pháp như: giảm thuế bảo vệ môi trường từ 2.000 - 3.000/lít, thời gian áp dụng từ tháng 3/2022; Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10% xuống 5 - 6%; Sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để điều tiết giá một cách khoa học, hợp lý.
Cục Hàng hải và các hiệp hội cũng đề xuất Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và các bến thủy nội địa, thời gian thực hiện từ tháng 4/2022 đến hết 31/12/2022.
Đồng thời, tiếp tục giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải từ 8 xuống 5% và xem xét điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%.
Trước đó, chia sẻ với PV Báo Giao thông, nhiều doanh nghiệp vận tải biển nội địa cho biết, trong bối cảnh giá dầu chạy tàu tăng phi mã đến 45% so với tháng 12/2021, giá cước tàu chạy nhiều chặng quốc tế tăng thì giá cước vận tải nội địa vẫn chưa thể điều chỉnh để bù đắp chi phí vận hành.
Thực trạng đó khiến tàu nội địa càng chạy càng lỗ. Tính toán trên một tàu SB 3.000 tấn, với mức độ tiêu thụ nhiên liệu từ 22.000 - 23.000 lít dầu/chuyến, chi phí mua nhiên liệu của tàu tăng từ gần 400 triệu đồng cuối năm 2021 lên 600 triệu đồng.
Với giá cước hiện tại, mỗi chuyến tàu chỉ được xấp xỉ 800 triệu đồng doanh thu. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu mất gần 600 triệu đồng, cảng phí khoảng 60 triệu đồng; Lương, chi phí ăn uống, bảo hiểm thuyền viên khoảng 200 triệu đồng. Các chi phí còn lại: khấu hao tàu, lãi ngân hàng, chi phí nhiên liệu tăng, doanh nghiệp phải bù lỗ gần 200 triệu đồng.
Đối với tàu tải trọng lớn hơn (khoảng 5.000 tấn), thời điểm giá dầu ở mức hơn 23.000 đồng/lít, mỗi chuyến tàu, doanh nghiệp có thể lãi 150 - 200 triệu đồng. Song, kể từ ngày 11/3/2022, giá dầu trong nước được điều chỉnh tăng lên hơn 25.000 đồng/lít, phần dôi dư (sau trừ chi phí) giảm mạnh, chỉ đủ cho chủ tàu trả lãi ngân hàng. Chi phí bảo dưỡng định kỳ phương tiện, doanh nghiệp vận tải buộc phải “móc túi” bù lỗ.