Đề xuất lùi thời điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Tại Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)' nhiều ý kiến tranh luận về việc bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần giảm tình trạng thừa cân béo phì, tăng thu ngân sách nhà nước…

Sáng 20/9, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”.

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đánh thuế đường có thực sự hiệu quả, giúp hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở các nước hay không vẫn chưa có luận chứng khoa học rõ ràng.

Ông Lực dẫn chứng, vẫn có 21 quốc gia với tỷ lệ người thừa cân béo phì tăng trong giai đoạn 2016-2024 dù đã đánh thuế đường nhiều năm; có 65 quốc gia dù chưa bao giờ đánh thuế đường, nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì lại giảm trong giai đoạn 2016-2024. Đáng chú ý, Nhật Bản là nước không đánh thuế đường, nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì luôn giữ ổn định trong 9 năm qua, ở mức 4,3%, là một trong những nước có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp nhất thế giới, nhờ văn hóa ẩm thực đặc trưng (sử dụng thực phẩm tươi, chế biến đơn giản, không tẩm ướp thêm gia vị, tiêu thụ ít đồ ăn nhanh, thực phẩm sản xuất công nghiệp…).

“Nguyên nhân khiến thuế đường chưa chứng tỏ phát huy tác dụng và hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở các nước, là vì nước giải khát có đường không phải là tác nhân duy nhất của căn bệnh thừa cân béo phì. Theo Tax Foundation (2023), do thuế đường có cơ sở rất hẹp, dẫn đến nguồn thu ngân sách không ổn định, không đủ lớn để trang trải cho những chương trình dài hạn vì mục tiêu sức khỏe của Chính phủ, khiến giảm hiệu quả chính sách thuế. Thuế đường không trung lập, khách quan, dễ dàng dẫn đến thay thế nước giải khát có đường bằng các sản phẩm khác, nhằm mục đích tránh thuế…”, ông Cấn Văn Lực nêu rõ.

Theo TS Cấn Văn Lực, cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế, bao gồm nâng cao nhận thức về tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách; tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về tác động kinh tế và sức khỏe của bệnh thừa cân béo phì, các biện pháp can thiệp giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em để cung cấp đủ bằng chứng cho nhà làm chính sách; đẩy nhanh các chương trình hiện có và xây dựng các chính sách và chương trình cụ thể khác để giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em tại Việt Nam.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam, mặc dù Việt Nam có sự gia tăng nhanh về tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành lại thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Một báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).

“Những lý do chính gây ra thừa cân béo phì bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết... Như vậy có thể thấy có nhiều nguyên nhân gây nên thừa cân béo phì, nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì”, bà Nguyễn Thị Lâm khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn băn khoăn, liệu áp tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có hiệu quả trong bối cảnh có nhiều thực phẩm có chứa đường và có lượng calo cao khác cũng đang tồn tại trên thị trường. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với chỉ mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, theo ông Phụng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.

“Vai trò của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt, với chức năng chính là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường chắc chắn không mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tuy nhiên lại có thể có tác động lớn đối với các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, nếu có tính đến thời gian cần thiết để các doanh nghiệp chuẩn bị thì nên có quy định lộ trình, ví dụ đến năm 2030 Việt Nam mới áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt này”, ông Phụng kiến nghị.

Dự kiến, ngày 23/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37. Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới đây) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

T. Phương

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-lui-thoi-diem-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-d52184.html