Đề xuất lùi thời gian phát triển điện gió ngoài khơi sau năm 2030
Theo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất lùi thời gian phát triển nguồn điện gió ngoài khơi sau năm 2030 với mục tiêu đạt công suất khoảng 17.000 MW vào năm 2035.

Việt Nam dự kiến sẽ phát triển điện gió ngoài khơi sau năm 2030. Ảnh minh họa: TL
Ngày 19-2, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định, các thành viên nhất trí thông qua đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, baochinhphu.vn đưa tin.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương báo cáo tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước dự kiến đạt 183.291-236.363 MW, tăng 27.747-80.819 MW so với quy hoạch điện trước đó.
Cụ thể, công suất nhiệt điện than, nhiệt điện khí trong nước được giữ nguyên như quy hoạch trước, công suất nhiệt điện LNG nhập khẩu được chỉnh giảm do chậm tiến độ, công suất thủy điện tăng so với trước đó.
Nguồn năng lượng tái tạo, lưu trữ và điện linh hoạt như điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, rác, địa nhiệt, lưu trữ năng lượng, nguồn điện linh hoạt và Xuất, nhập khẩu điện và điện hạt nhân tăng trung bình từ 1.700-52.825 MW.
Tại cuộc họp, sau khi lắng nghe ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp thu và giải trình một số nội dung.
Theo đó, dự báo phụ tải được bộ đưa ra dựa trên 3 kịch bản tăng trưởng GDP, gồm kịch bản thấp cho mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 là 6,6%/năm; kịch bản cơ bản cho mục tiêu tăng trưởng là 8%/năm và kịch bản cao cho mục tiêu tăng trưởng 10%/năm.
Tổng công suất nguồn điện phục vụ trong nước dự kiến 183.291-236.363 MW, tăng 27.747-80.819 MW, chủ yếu từ thủy điện, năng lượng tái tạo và pin lưu trữ.
Giải trình về điện gió ngoài khơi, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đến năm 2030, đây vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao. Theo quy hoạch ban đầu, Bộ Công Thương dự kiến phát triển khoảng 6.000 MW nguồn điện gió ngoài khơi đến năm 2030.
Vì vậy, bộ đã điều chỉnh Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển nguồn điện này sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào năm 2035, lùi lại 5 năm so với kế hoạch cũ.
Thay vào đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển nguồn điện gió trên bờ và gần bờ với tổng công suất khoảng 27.791-34.667 MW, tăng 3.949-5.321 MW so với quy hoạch đã được duyệt.
Đến 2030, tổng công suất điện mặt trời tập trung đạt 46.459-73.416 MW, tăng 25.867-52.825 MW so với trước đ1o. Nhờ triển khai nhanh, nguồn này giúp đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2026-2027.
Điện hạt nhân có chi phí xây dựng cao do yêu cầu an toàn nghiêm ngặt. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 (6.000-6.400 MW) dự kiến vận hành giai đoạn 2030-2035.
Đến 2050, hệ thống cần bổ sung 4.500-5.000 MW tại miền Bắc và 3.000 MW tại miền Trung (chủ yếu SMR). Việc nghiên cứu các địa điểm tiềm năng sẽ tiếp tục trong các quy hoạch sau.
Theo Bộ Công Thương, tổng vốn đầu tư điện lực giai đoạn 2026-2030 dự kiến 136-172 tỉ đô la Mỹ, gồm đầu tư nguồn điện là 118-148 tỉ đô la Mỹ, lưới truyền tải là 18-24 tỉ đô la Mỹ. Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đề xuất đa dạng hóa nguồn vốn, huy động trong và ngoài nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Để đảm bảo thực hiện quy hoạch hiệu quả, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng, Bộ Công Thương đề xuất rà soát tiến độ các dự án nguồn điện 6 tháng/lần, đề xuất điều chỉnh, thay thế dự án chậm hoặc thu hồi, giao cho nhà đầu tư có năng lực.
Ngoài ra, cơ quan quản lý đề xuất áp dụng kỷ luật và tuân thủ quy hoạch đối với chủ đầu tư, bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ chế đầu tư vào năng lượng tái tạo, lưu trữ điện, khuyến khích điện mái nhà và áp dụng giá điện 2 thành phần.