Room ngân hàng gây tắc kênh dẫn vốn cho nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ đổi mới điều hành, có lộ trình giảm dần và tiến tới bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - công cụ đang bị chê là 'hành chính' với nhiều bất cập.

Ngay sau khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% được thông qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay, cao hơn toàn ngành 2% để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm khách hàng lớn.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế khi Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng 8%. Hoạt động xuất khẩu liên quan đến đầu tư công sẽ được hưởng lợi. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng cao về nhu cầu tín dụng, đặt mục tiêu khoảng 18%".

Để cán đích tăng trưởng kinh tế 8%, nhu cầu tín dụng sẽ rất lớn, trong khi nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Do đó, nếu room tín dụng chỉ để kiểm soát lạm phát, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã nắm trong tay rất nhiều công cụ thay thế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trần tín dụng là hạn mức mà toàn hệ thống có thể tăng trưởng tối đa. Ngân hàng Nhà nước có những công cụ kiềm chế tăng trưởng tín dụng không vượt quá trần này. Công cụ thứ hai, dự trữ bắt buộc là công cụ tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước rất ít khi sử dụng, để kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể tăng hoặc giảm dự trữ này.

Ngoài ra, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh cũng như đối tượng giải ngân để kiểm soát nợ xấu, thay vì cố gắng đáp ứng chỉ tiêu cụ thể được giao.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Tôi cho rằng bỏ hạn mức tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải có kiểm tra, kiểm soát chất lượng tín dụng gắn với tăng quy mô tín dụng. Chỉ có như vậy mới thực sự bỏ được hạn mức".

Việc "tiến tới bỏ room tín dụng" cũng được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại mới đây. Năm 2024, bức tranh tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Có những ngân hàng tăng vượt mức trung bình toàn ngành, nhưng có những ngân hàng tăng trưởng rất thấp. Do đó, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/room-ngan-hang-gay-tac-kenh-dan-von-cho-nen-kinh-te-304597.htm