Đề xuất lương giáo viên cao nhất thang bảng lương có hợp lý?
Đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp của đại biểu Quốc hội đang nhận được nhiều quan tâm từ đông đảo đội ngũ nhà giáo cả nước.
Trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 1/11, đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng, đoàn Phú Thọ nêu thực tế, qua 10 năm thực hiện thì chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.
“Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề”, đại biểu trăn trở.
Đại biểu Hà Ánh Phượng cũng cho rằng, lương của đội ngũ nhân viên trường học hiện nay còn rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp.
Nhân viên trường học là bộ phận chiếm tỷ lệ không quá 10% biên chế trường học nhưng giữ vai trò quan trọng trong vận hành trường. Tuy nhiên, dù làm việc 8 tiếng/ngày, họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và không được hưởng thâm niên như nhà giáo.
Từ các thực tế như trên, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt, có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên bậc THCS tại Sơn Tây, Hà Nội đồng tình với đề xuất trên của đại biểu Quốc hội. Giáo viên này cho rằng, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, bởi vậy mức lương cho giáo viên nên được xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp để họ sống được với nghề và yên tâm công tác. Việc cải cách tiền lương cho đội ngũ giáo viên cũng sẽ khắc phục được tình trạng giáo viên bỏ nghề như hiện nay đang diễn ra và thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.
"Trong xu thế hiện nay giá cả leo thang với đồng lương hiện nay thì khó đảm bảo được đời sống của giáo viên. Công tác trong ngành giáo dục 20 năm, làm tổ trưởng chuyên môn, thế nhưng mức lương của tôi cũng mới chỉ đạt 9,3 triệu đồng/tháng. Những giáo viên mới vào biên chế lương còn thấp hơn nữa, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, Với những thầy cô trẻ, cuộc sống có rất nhiều khoản phải chi tiêu như đóng học cho con, cỗ bàn hay các công việc của gia đình, trong khi đó, đồng lương lại rất eo hẹp.
Bởi vậy nhiều thầy cô phải làm thêm các nghề tay trái như bán hàng online, làm thêm ngoài giờ ở các quán ăn,…. Nếu tiền lương của giáo viên được xếp thuộc loại cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, đời sống được nâng lên sẽ không còn tình trạng giáo viên bỏ nghề hay tình trạng dạy thêm tràn lan cũng sẽ giảm bớt", thầy Tiến nêu quan điểm.
Còn theo thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên bậc THPT tại Hà Nội, so với mức sống thực tế và so sánh với các quốc gia lân cận, thì mức lương giáo viên tại Việt Nam vẫn còn quá thấp. Tăng lương cho đội ngũ giáo viên là mong mỏi của toàn ngành giáo dục, giúp thầy cô có thêm nguồn lực để cống hiến, theo đuổi nghề giáo. Tuy nhiên, đề xuất tăng lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương cơ sở là chưa phù hợp.
“Là giáo viên, nhưng tôi cho rằng mỗi nghề đều có những đặc thù, vất vả riêng. Vất vả của ngành giáo dục khó có thể so sánh với sự nguy hiểm tính mạng của công an, quân đội. Do vậy rất khó để mong rằng lương giáo viên phải cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Với giáo viên chúng tôi, ngoài tiền lương, điều quan trọng hơn nữa là mong mỏi cải cách môi trường làm việc, làm sao để thầy cô không quá áp lực, không bị phân biệt đối xử, mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thầy Đường chia sẻ.
Tại phiên thảo luận quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng, tính đến tháng 9 toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ, chuyển việc. Vậy nguyên nhân chính khiến giáo viên nghỉ việc liệu có phải xuất phát từ chính tiền lương không đủ sống?
Nói về vấn đề này, thầy Đường cho rằng, giáo viên bỏ nghề chủ yếu do lương quá thấp, không đủ sống.
“Đa số những đồng nghiệp nghỉ việc đều là những người năng động, họ không cam chịu, nói nôm na thì đó là những người giỏi. Bởi vậy nếu lương không đủ sống thì đương nhiên không thể giữ chân những người này. Bên cạnh vấn đề lương còn có nhiều bất cập khác đang tạo không ít áp lực cho giáo viên như môi trường làm việc mất dân chủ, nhiều trường hiệu trường giống như ông vua, bà chúa. Trong trường học cũng tồn tại những lợi ích nhóm. Nhiều thầy cô có ý kiến xây dựng hay trái với hiệu trưởng sẽ bị gạt đi, thậm chí trù dập. Trong khi đó, tổ chức công đoàn lại không phát huy được chức năng bảo vệ giáo viên.
Giáo viên ngày nay cũng phải đối mặt với nhiều sức ép từ xã hội, từ học sinh và phụ huynh. Tôn nghiêm mất, thu nhập thấp, nhiều giáo viên phải ngậm ngùi nghỉ việc. Nhưng phải thừa nhận rằng những người ra đi thường là người giỏi’, thầy Đường băn khoăn.
Cần trả lương theo hiệu suất làm việc
Từ những thực tế trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Văn Đường cho rằng: “Đương nhiên phải cải cách tiền lương nếu ngành giáo dục muốn giữ chân người giỏi, thu hút nhân tài. Cải cách tiền lương không phải tăng thêm vài phết vài phẩy, mà cần xem xét trả lương theo hiệu suất làm việc. Người làm tốt thì lương cao, rất cao, người làm không tốt thì chỉ nên đạt mức lương tối thiểu. Hội đồng nhà trường hàng năm nên bỏ phiếu kín cho mức lương từ hiệu trưởng trở xuống”, thầy Đường đề xuất.
Bên cạnh đó, thầy Đường cũng cho rằng, công đoàn giáo dục trong các nhà trường cần chọn ra những người có năng lực, thể hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt để giữ chân và khuyến khích giáo viên cống hiến, cần thay đổi môi trường làm việc, tạo điều kiện cho giáo viên được phát huy tính tự chủ, sáng tạo.