Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 01/01/2026 đến hết năm 2030
Chính sách này nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo Chương trình phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - UBTVQH (dự kiến khai mạc ngày mai - 14/4/2025), sáng 15/4, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, sau đó Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và kết luận, trước khi Chính phủ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 5/5 tới.
Trước đó, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội; được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội.
Đến 31/12/2025, thời hạn áp dụng của chính sách này sẽ kết thúc
Theo dự thảo Nghị quyết mới, Quốc hội sẽ quyết nghị về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 01/01/2026; giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết là: Người nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; Cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm giai đoạn 2001-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Đến nay, có những quy định không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội như cách xác định thuế lạc hậu, giá trị thu được thấp (thuế được tính bằng thóc, thu bằng tiền) và phần lớn các nội dung hiện không còn được áp dụng trên thực tế do thi hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ diện tích đến hết ngày 31/12/2025.
Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp mặc dù được ban hành từ năm 1993 nhưng thực tế, từ năm 2001 đến nay, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ thay đổi về quy định ưu đãi thuế (miễn, giảm) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Tờ trình, nguồn thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp rất nhỏ, chỉ mang tính chất bù đắp một phần nhỏ để hỗ trợ chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp (số thu chỉ chiếm khoảng 0,00057% tổng thu NSNN năm 2023).
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian qua mặc dù làm giảm thu NSNN nhưng đây là giải pháp góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững; và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Do đó, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.
Ngoài nội dung nói trên, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số chính sách miễn giảm thuế, phí để "khoan sức dân", hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm kích thích tăng trưởng như:
- Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 (sáng 24/4);
- Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026 (chiều 25/4).