Doanh nghiệp Trung Quốc xoay sở ứng phó với thuế quan Mỹ
Thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên mức ba con số...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên mức ba con số. Đối với các nhà xuất khẩu của Trung Quốc, thuế quan như vậy đồng nghĩa giá hàng hóa mà họ xuất khẩu sang Mỹ phải tăng lên trong lúc họ đẩy mạnh các kế hoạch đa dạng hóa cơ sở sản xuất để giảm bớt ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Và trong một số trường hợp, doanh nghiệp Trung Quốc phải dừng hoàn toàn việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
CÁC BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ CỦA TRUNG QUỐC
Trao đổi với hãng tin CNBC, Giám đốc Ryan Zhao của công ty dệt may Jiangsu Green Willow Textile cho biết vào tháng 6 tới, người tiêu dùng Mỹ có thể không còn được tiếp cận với một số sản phẩm nhất định vì một số công ty Mỹ đã dừng kế hoạch nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc.
Đối với những sản phẩm tiếp tục được nhập từ Trung Quốc, “không thể đoán được” giá bán ở Mỹ sẽ tăng bao nhiêu - ông Zhao nói. “Sẽ phải mất 2-4 tháng để hàng được vận chuyển từ hải cảng ở Trung Quốc tới kệ hàng ở Mỹ. Mà trong 2 tháng qua, thuế quan đã tăng từ 10% lên 125%”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ không thay đổi ngay lập tức ngay cả khi các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tìm nguồn hàng thay thế. CEO Tony Post của công ty giày thể thao Topo Athletic, nói ông đang có kế hoạch tăng cường hợp tác với các nhà cung ứng ở Việt Nam bên cạnh tiếp tục duy trì nhà cung ứng ở Trung Quốc.
Sau hai đợt áp thuế quan 10% mỗi đợt của Mỹ đối với hàng Trung Quốc vào đầu năm nay, 4 nhà cung ứng Trung Quốc đã đề nghị chia sẻ chi phí thuế quan với Topo - ông Post tiết lộ. Nhưng bây giờ, “chi phí tăng thêm do thuế quan trong mấy tháng qua đã nhiều hơn cả giá thành sản phẩm”, ông nói.
“Tôi sẽ phải tăng giá bán sản phẩm ở Mỹ, và tôi không dám chắc việc đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, ông Port nói. Trước khi ông Trump bắt đầu áp thuế quan, ông Post dự báo doanh thu đạt gần 100 triệu USD trong năm nay, chủ yếu từ thị trường Mỹ.
Để giảm bớt ảnh hưởng của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tăng cường hỗ trợ các công ty nước này bán được nhiều hàng hóa hơn tại thị trường nội địa. Hôm thứ Năm tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã tập trung các hiệp hội ngành nghề chính để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy doanh thu tại thị trường trong nước thay vì xuất khẩu.
Nhưng người tiêu dùng Trung Quốc đang có tâm lý ngại chi tiêu - xu hướng thể hiện qua việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tiếp tục giảm trong tháng 3 vừa qua, theo số liệu công bố vào tuần trước.
“Thị trường nội địa của Trung Quốc không thể hấp thụ được hết nguồn cung hiện nay”, nhà nghiên cứu cấp cao Derek Scissors của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) nhận định.
Ông Scissors cho rằng Bắc Kinh có thể kết hợp cùng lúc các biện pháp gồm đàm phán với Mỹ, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp đang thua lỗ và chấp nhận để những doanh nghiệp quá yếu kém đóng cửa. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác có thể dẫn tới thuế quan từ các đối tác đó, trong khi việc trợ cấp doanh nghiệp sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nần và áp lực giảm phát trong nước.
MỸ KHÔNG DỄ THAY THẾ HÀNG TRUNG QUỐC
Đối với Mỹ, việc chuyển sản xuất về nước cũng không phải là một việc dễ. Trong những năm gần đây, Chính phủ Mỹ đã có nhiều nỗ lực để khuyến khích doanh nghiệp xây nhà máy ở nước này, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Dù vậy, các doanh nghiệp và nhà phân tích nói rằng việc phát triển các cơ sở sản xuất như vậy và tìm đủ lao động có đủ kinh nghiệp là điều không đơn giản.
“Chúng tôi không thể tìm được nguồn thiết bị giống như ở Trung Quốc tại Mỹ. Một nhà cung ứng Mỹ sẽ không có được kinh nghiệm cụ thể” cần thiết - hãng xe Ford viết trong một lá thư vào tháng trước đề nghị miễn thuế quan cho một công cụ sản xuất dùng để sản xuất pin xe điện. Tesla và các doanh nghiệp lướn khác của Mỹ cũng đã có nhưng đề nghị miễn thuế quan tương tự.
Một tỷ lệ lớn trong hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chỉ có thể tìm nguồn từ Trung Quốc. Theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs, 36% hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có sự phụ thuộc trên 70% vào các nhà cung ứng tại Trung Quốc. Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, điều này có nghĩa là sẽ rất khó để các nhà nhập khẩu Mỹ tìm nguồn hàng thay thế dù hàng rào thuế quan dâng cao.
Ở chiều ngược lại, chỉ 10% hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc phụ thuộc vào các nhà cung ứng tại Mỹ - theo báo cáo trên.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến quan trọng vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Ngoài đồ may mặc và giày dép, Mỹ còn phụ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng máy tính, máy móc công nghiệp, thiết bị gia dụng và hàng điện tử - theo một báo cáo của Allianz Research.
Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ trong năm ngoái, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước này vào Mỹ tăng 2,8%, đạt gần 439 tỷ USD - theo dữ liệu của Mỹ. Mexico đã chiếm vị trí nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất của Mỹ từ năm 2023.
Theo ông Zhao, một số công ty dệt may lớn của Trung Quốc đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á. Đối với Green Willow Textile, “năm nay chúng tôi đã tìm thêm khách hàng ở Đông Nam Á, Mỹ Latin, Trung Đông và châu Âu để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ”, ông nói và cho biết công ty này không thể chịu thêm chi phí gia tăng vì thuế quan, bởi mức lợi nhuận ròng đã giảm về mức chỉ 5%.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-xoay-so-ung-pho-voi-thue-quan-my.htm