Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong vài năm trở lại đây, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tích cực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc lần đầu vượt quy mô 200 tỷ USD. Cùng với đó, hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài sang Việt Nam, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 31,26 tỷ USD.

Mỗi ngày, đơn vị Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu xuất khẩu khoảng 240 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Con số này chưa tính sầu riêng đông lạnh được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu từ cuối năm 2024. Để đón đầu cơ hội, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy tại Đắk Lắk và Bến Tre.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: "Tất cả các doanh nghiệp đều đã đi vào chế biến từ cấp đông múi, trái vừa xuất khẩu, vừa dự trữ, phân bổ cho thị trường, giữ được giá trị cho sản phẩm. Tránh trường hợp ế chợ, rớt giá tiếp tục".

Năm 2024, riêng sầu riêng xuất Trung Quốc đã mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD. Cùng với các mặt hàng chủ lực như nông sản, thủy sản, linh kiện điện tử, dệt may, cao su và dầu thô, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 205,2 tỷ USD, lập kỷ lục lần đầu vượt 200 tỷ USD.

Quý I năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46% so với cùng kỳ.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay: "Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam".

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, hai năm gần đây có sự gia tăng khá mạnh của nhà đầu tư Trung Quốc đại lục. Năm 2024, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tư nhiều thứ ba vào Việt Nam, chỉ sau Singapore và Hàn Quốc với 955 dự án đầu tư mới, vốn đăng ký 4,73 tỷ USD.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: "Năm 2023, 2024, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam là số 1. Từ số 10 lên số 1. Xu hướng này vẫn tiếp diễn. Người ta tận dụng thuế quan ưu đãi, phần lớn là bằng 0 của Việt Nam khi xuất khẩu đi Châu Âu, Mỹ. Trong khi đó, đặt ở Trung Quốc chịu thuế 25%. Điều này có lợi cho Trung Quốc, tránh được chiến tranh thương mại. Đồng thời, nước ta cũng có lợi có thêm lao động, thêm việc làm, thêm ngoại tệ, qua đó đóng góp cho GDP của mình".

Triển vọng hợp tác kinh tế thương mại hai nước còn trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hai bên đang bắt tay xây dựng dự án kết nối cơ sở hạ tầng song phương gồm xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025, hoàn thành lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội trong năm 2026, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân hai nước qua lại cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Hoàng Hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/trien-vong-hop-tac-kinh-te-viet-nam-trung-quoc-322337.htm