Đề xuất mô hình áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế vào Việt Nam
ThS. Nguyễn Chí Hiếu (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT:
Áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế vào Việt Nam là việc phải làm, tuy nhiên cách làm thế nào vẫn đang được bàn luận. Bài viết này hệ thống lại các lý luận và mô hình áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế hiện nay trên thế giới. Thông qua việc nghiên cứu cách thức áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế của một số nước trên thế giới, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất mô hình cho Việt Nam để áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế.
Từ khóa: Chuẩn mực kế toán công quốc tế, bài học kinh nghiệm, mô hình áp dụng, công bố.
1. Đặt vấn đề
Người dân không chỉ trao cho chính phủ của mình quyền lực mà còn trao cho chính phủ tiền của họ và hệ thống quản lý tài chính công là hệ thống được sử dụng để bảo đảm sự tín nhiệm này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cải tiến hệ thống để ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp; đồng thời tạo dựng niềm tin cho người dân rằng không ai có thể che dấu những hành vi đó, rằng tiền của họ đã được sử dụng đúng mục đích trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ, trong những năm qua Nhà nước đã có những nỗ lực đáng kể trong việc cải cách hệ thống tài chính công với mục đích tạo ra một môi trường kiểm soát mạnh mẽ hơn và phù hợp hơn cho một hệ thống hướng tới minh bạch và trách nhiệm giải trình. Kế toán công là một trong những nội dung quan trọng cần đổi mới trong công cuộc cải cách hệ thống tài chính công mà cụ thể là vận dụng như thế nào các chuẩn mực kế toán công quốc tế vào Việt Nam.
2. Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế vào Việt Nam
Ngày 18/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban bành Quyết định số 480/QĐ - TTg về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể của chiến lược là "Tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế; tham gia với tư cách là thành viên chính thức của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế; tham gia chủ động vào quá trình xây dựng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, chuẩn mực kế toán công quốc tế, chuẩn mực kiểm toán quốc tế thông qua các diễn đàn trong khu vực và trên thế giới. Đây là quyết định quan trọng làm nền tảng cho định hướng của Việt Nam trong việc áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế, là cơ sở cho những công trình nghiên cứu kế toán trong lĩnh vực công mang tính hữu dụng cho thực tiễn. Nắm bắt tính cấp bách và thời sự của vấn đề này, tác giả bài viết xin được tổng hợp tình hình áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế tại một số nước, sau đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất mô hình áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế vào Việt Nam.
Chuẩn mực kế toán công quốc tế được ban hành bởi IPSASB (International Public Sector Accounting Standards Board) để áp dụng cho các báo cáo tài chính của các đơn vị thuộc lĩnh vực công. Tính đến thời điểm hiện nay, IPSASB đã ban hành được 42 chuẩn mực. Chuẩn mực kế toán công quốc tế là những chuẩn mực có chất lượng được xây dựng trên nền tảng của chuẩn mực kế toán quốc tế đối với lĩnh vực tư nhân và đặc điểm riêng của lĩnh vực công. Trước khi các chuẩn mực kế toán công ra đời, chúng đã được xác định mục đích là trợ giúp sự hòa hợp giữa chuẩn mực quốc gia và chuẩn mực quốc tế, nhờ đó tăng cường chất lượng và tính thống nhất của hệ thống BCTC trên toàn thế giới. Hay nói một cách khác, các chuẩn mực kế toán công ra đời là một giải pháp cho bài toán hội tụ kế toán trong lĩnh vực công. Trong xu thế hội nhập quốc tế, các nước phải lập và trình bày Báo cáo tài chính của quốc gia mình theo những quy định của IPSASB để người sử dụng trên phạm vi toàn cầu mới có thể so sánh, đánh giá. Điều này không chỉ là sự cần thiết, yêu cầu của hoạt động kinh tế, đầu tư đa quốc gia mà quan trọng hơn là việc công bố các thông tin minh bạch sẽ tạo ra lợi thế cho các khoản đi vay, cho vay giữa các quốc gia và với các tổ chức quốc tế.
3. Mô hình áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế trên thế giới
Ngày nay, trên thế giới việc áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế có 4 mô hình áp dụng:
Thứ nhất, áp dụng 100% các Chuẩn mực kế toán công quốc tế mà không có sửa đổi, bổ sung;
Thứ hai, áp dụng 100% các Chuẩn mực kế toán công quốc tế, nhưng có phần ghi chú để thêm hoặc bớt vào từng chuẩn mực;
Thứ ba, vận dụng có chọn lọc các quy định của IPSASs bằng cách dựa vào các Chuẩn mực kế toán công quốc tế để sửa đổi, bổ sung và xây dựng chuẩn mực kế toán công quốc gia cho phù hợp với đặc thù của nền kinh tế, đồng thời ban hành thêm các chuẩn mực kế toán công quốc gia;
Thứ tư, không áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế mà tự xây dựng, ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc gia.
Hiện nay, đã có hơn 70 quốc gia và nền kinh tế đã và đang áp dụng IPSASs điều mang lại hiệu quả hữu ích. Ví dụ như: Azerbaidjan, Cambodia, Laos, Cyprus, Đông TiMo, Fiji, Israel, Maldives, Nepal, Uganda, Singapore, Indonesia, Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Châu Âu… Mức độ áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế có thể là 1 trong 4 mô hình đã đề cập ở trên.
4. Quá trình áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế tại một số nước 4.1. Tại Indonesia
Cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở khu vực Đông Nam Á những năm 1997 - 1998, trong đó có Indonesia. Trong lĩnh vực công, tham nhũng trầm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành mà xét đến nguyên nhân sâu xa là từ việc thiếu nguyên tắc, quy định trong quản lý tài chính quốc gia. Thiếu chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực công đã tạo nên sự khó khăn trong việc đánh giá trách nhiệm giải trình tài chính của Chính phủ. Có khá nhiều quỹ phi ngân sách trong các tổ chức nhà nước được tách ra từ ngân sách nhà nước. Điều này một lần nữa hạn chế khả năng kiểm soát các nguồn vốn tài trợ cho các quỹ. Từ kinh nghiệm của các nước đã tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế. Indonesia đã ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công trên cơ sở tuân thủ chuẩn mực kế toán công quốc tế là một trong những nỗ lực lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia của đất nước nhiều đảo nhất trên thế giới này.
4.2. Tại Anh
Tại nước này, kế toán trên cơ sở dồn tích đã tồn tại từ rất lâu, nhưng nó chỉ mới ảnh hưởng đến khu vực công trong những năm gần đây. Tháng 4/2001, Anh đã triển khai và áp dụng hệ thống kế toán khu vực công và ngân sách dựa trên cơ sở dồn tích. Chính phủ đã nhận ra được những lợi ích khi áp dụng hệ thống này. Nó cung cấp một báo cáo về chi phí chính xác hơn của các hoạt động tại các văn phòng chính phủ, bao gồm cả việc sử dụng tài sản, chi phí vốn vay và đi liền đó là các khoản thu có được, tạo ra từ những chi phí trên. Hiện nay, vào mỗi năm Anh điều cập nhật những hướng dẫn kế toán trên cơ sở Chuẩn mực kế toán công quốc tế vào chuẩn mực kế toán quốc gia của mình.
4.3. Tại Pháp
Tại nước này, sử dụng hệ thống kép. Ngân sách của quốc gia báo cáo và trình bày theo cơ sở tiền, trong khi đó Bộ Quản lý tài chính và ngân sách Pháp thì lại thực hiện trên cơ sở dồn tích để lập BCTC gửi về trung ương. Hiện tượng này, tạo ra một sự không thống nhất giữa các bộ phận thuộc lĩnh vực công của Pháp. Do vậy, quốc gia này đã chuyển đổi theo định hướng chung của Khối cộng đồng chung châu Âu. Năm 2005, Pháp chuyển đổi sang chế độ kế toán dồn tích cho lĩnh vực công trên nền tảng các Chuẩn mực kế toán công quốc tế.
4.4. Tại Australia
Tiến trình chuyển từ việc lập ngân sách và báo cáo kế toán về thu, chi và kết quả hoạt động trên cơ sở tiền mặt sang chế độ kế toán dồn tích đầy đủ ở Australia được tiến hành qua các giai đoạn sau:
Trước năm 1989, các Bộ ngành ghi chép thu, chi và kết quả hoạt động vào “Sổ cái” và Bộ Tài chính soạn lập một bản “Báo cáo thu, chi NSNN” so sánh với thực tế cho mỗi Bộ ngành. Giai đoạn 1989-1992, kế toán thu, chi và kết quả hoạt động theo cơ sở kế toán tiền mặt cải tiến các Bộ, ngành ghi chép vào “Sổ cái” và trình bày thông tin trên “Báo cáo thu, chi”. Ngoài ra, mỗi Bộ, ngành cần có thêm một bản báo cáo bổ sung thêm các thông tin tài chính về tài sản cố định (TSCĐ) và các khoản nợ.
Giai đoạn 1992 - 1994, đây là thời mốc quan trọng ở Australia, vì hệ thống kế toán công chuyển hoàn toàn sang chế độ kế toán dồn tích vì mang lại các thông tin đầy đủ và kịp thời cho người sử dụng. Chế độ kế toán dồn tích đã cung cấp thông tin về thu, chi và kết quả hoạt động của đơn vị công có thể so sánh được cho các năm hoặc giữa các đơn vị với nhau và có độ chính xác cao hơn. Hệ thống báo cáo tài chính trong lĩnh vực công của Australia gồm 4 báo cáo như Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Do đó, BCTC theo cơ sở kế toán dồn tích đã cung cấp các thông tin về tài sản, khoản phải trả, vốn chủ sở hữu, thu chi. Nguyên tắc lập và trình bày BCTC về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong các đơn vị công được tiến hành theo Chuẩn mực kế toán công của quốc gia của họ, nhằm đảm bảo tính công bằng và tuân thủ chuẩn mực, tuân thủ tính hoạt động liên tục, cơ sở dồn tích, trọng yếu và tập hợp, bù trừ và nhất quán.
4.5. Tại Malaysia
Vào tháng 5 năm 2011, Chính phủ Malaysia công bố quốc gia này sẽ quy định tất cả đơn vị công đều áp dụng chuẩn mực công theo hướng Chuẩn mực kế toán công quốc tế vào năm 2015. Tuy nhiên trên thực tế, Chuẩn mực kế toán công Malaysia (viết tắt là MPSAS) được áp dụng từ năm 2018 ở cấp liên bang và sẽ áp dụng từ 2019-2021 theo từng giai đoạn ở cấp bang.
Chính phủ Malaysia đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ, bao gồm:
- Đánh giá phân tích khoảng cách giữa các chuẩn mực hiện tại và Chuẩn mực kế toán công quốc tế;
- Phát triển các chuẩn mực kế toán công của Malaysia (viết tắt là MPSAS) dựa trên Chuẩn mực kế toán công quốc tế;
- Sửa đổi Luật Tài chính để đảm bảo MPSAS nằm trong chương trình cải cách tài chính; phát triển và lựa chọn các chính sách kế toán;
- Xây dựng các chiến lược quản lý sự thay đổi;
- Thực hiện các sáng kiến về xây dựng năng lực, trong quá trình làm sẽ kết hợp mở các lớp đào tạo Chuẩn mực kế toán công quốc tế;
- Áp dụng các chính sách, quy trình và thủ tục để phù hợp với Chuẩn mực kế toán công quốc tế;
- Lựa chọn hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với Chuẩn mực kế toán công quốc tế.
Trong quá trình áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế, Malaysia gặp phải nhiều thách thức trong quá trình thực hiện, bao gồm:
- Thách thức về các vấn đề kế toán cụ thể như không ghi chép đầy đủ, thiếu chính xác và không sẵn có thông tin về số dư các tài khoản đầu kỳ và những khó khăn trong việc định giá các loại tài sản đặc biệt và các công cụ tài chính phức tạp.
- Thiếu cán bộ có năng lực và kĩ năng Chuẩn mực kế toán công quốc tế để chuyển sang chế độ kế toán dồn tích, cũng như sự cần thiết phải quản lí kỳ vọng của các bên có liên quan.
Từ việc áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế, Malaysia đã đưa ra những bài học sau:
- Cần thiết phải áp dụng các giải pháp thực tiễn; đồng thời đảm bảo có đủ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới việc xử lý kế toán đối với tài sản; đồng thời khuyến khích các đơn vị công bắt đầu áp dụng càng sớm càng tốt;
- Việc cần thiết phải có đội ngũ nhân lực phù hợp để hiểu hệ thống kế toán đóng vai trò quan trọng nhất;
- Tập trung vào các giải pháp bền vững dài hạn; quản lí dự án với chương trình thực hiện chuẩn; nguyên tắc quản lí dự án với các thời hạn hoàn thành được thống nhất trước và có các mốc rõ ràng.
5. Bài học rút ra cho Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế, cho thấy, từng quốc gia có sự khác nhau về cách thức áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế, nên việc lựa chọn mô hình nào cần phải được nghiên cứu kỹ thực trạng, kinh nghiệm của từng nước để trao đổi, thống nhất phương án thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước đều có hệ thống Chuẩn mực kế toán công của quốc gia và phần lớn các nước đã tuyên bố áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế hoặc vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế có điều chỉnh với quy mô, phạm vi và cách thức áp dụng có thể khác nhau tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm của mỗi nước. Một số nội dung cần lưu ý cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất: Việc ban hành chuẩm mực công cần gắn với mục tiêu cải cách tài chính công. Xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán công trước hết chúng ta phải đặt nó trong bối cảnh hiện tại, cũng như những định hướng lâu dài về quản lý tài chính công của Việt Nam. Quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra, vận dụng cách thức quản lý của doanh nghiệp đang là xu hướng quản lý tài chính công hiện đại mà hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng. Việt Nam cũng đang từng bước tiến dần tới phương thức này bằng việc trao quyền tự chủ về tài chính cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Thứ hai: Việc ban hành chuẩn mực kế toán công cần phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Cơ sở để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam, được nêu tại Khoản 3, Điều 7 Luật Kế toán quy định: “Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Như vậy hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam sẽ căn cứ vào hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế. Tuy nhiên hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế được xây dựng và áp dụng chung, do vậy đối với từng quốc gia có những bất cập do có những điểm khác biệt do cơ chế quản lý tài chính, ngân sách. Vì vậy, một số nội dung chuẩn mực kế toán công quốc tế cần phải được sửa đổi cho phù hợp với Việt Nam. Trong đó, cần phân biệt giữa quản trị tài chính doanh nghiệp với quản trị tài chính công dựa trên những đặc thù riêng trong hoạt động của Nhà nước.
Thứ ba: Cần xác định và thực hiện theo mô hình phù hợp, kết hợp linh hoạt việc áp dụng đầy đủ nguyên mẫu đối với một số chuẩn mực, áp dụng hoặc tuyên bố không áp dụng đối với một số quy định trong từng chuẩn mực; bổ sung, sửa đổi một số nội dung để phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Thứ tư: Cần tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ban hành và triển khai phù hợp với thực tế của Việt Nam. Việc tổ chức các hoạt động để nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chuẩn mực công cần phải phù hợp với thực tế tổ chức hoạt động của Bộ Tài chính, các tổ chức nghề nghiệp và các cơ quan nhà nước khác. Theo đó có thể thành lập Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo chuẩn mực thuộc Bộ Tài chính. Ban soạn thảo chuẩn mực có trách nhiệm thực hiện nghiên cứu nội dung và quy trình nghiên cứu, ban hành hệ thống chuẩn mực theo mô hình phù hợp.
6. Đề xuất mô hình cho Việt Nam
Với các phân tích nêu trên, Việt Nam có thể lựa chọn mô hình công bố các chuẩn mực kế toán công theo một lộ trình phù hợp, theo thứ tự các nhóm chuẩn mực như sau:
Các chuẩn mực không có sự khác biệt.
Các chuẩn mực ít khác biệt về mặt kỹ thuật kế toán;
Các chuẩn mực có sự khác biệt do cơ chế tài chính, ngân sách, có thể đánh giá và chỉnh sửa;
Các chuẩn mực có nhiều nội dung khác biệt, cần có sự dịch chuyển, điều chỉnh lớn về cơ chế tài chính, ngân sách (trường hợp không thể điều chỉnh, cần có tuyên bố về việc không áp dụng).
TÀI LIỆU THAM KHẢO: Bộ Tài chính (2007), Hệ thống Chuẩn mực kế toán công quốc tế (lưu hành nội bộ), Hà Nội.
Bộ Tài chính (2017), Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, Nhà xuất bản Tài chính.
Bộ Tài chính (2007), Tài liệu hội thảo về định hướng và lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc vào Việt Nam.
Quyết định số 480/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định về báo cáo tài chính nhà nước.
Nguyễn Văn Hồng (2007), Hoàn thiện hệ thống kế toán nhà nước, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Tố Hoa (2009), Vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế để hoàn thiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp Việt Nam, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Quốc hội (2015), Luật Kế toán
Phạm Quang Huy (2010), Phân tích nội dung của khuôn mẫu lý thuyết nền tảng và một số chuẩn mực áp dụng trong khu vực công trong hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế, Tạp chí Kiểm toán (số 10 - trang 35).
Phạm Quang Huy (2010), Tìm hiều về kế toán khu vực công tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kiểm toán (số 4 - trang 54).
Vũ Hữu Đức, PGS.TS. Trần Thị Giang Tân và TS. Nguyễn Thế Lộc (2010), Tìm hiểu Chuẩn mực kế toán Việt Nam những vấn đề chung và các yếu tố của Báo cáo tài chính, Nhà xuất bản Thống kê.
Trần Thị Ái Thúy (2010), Xây dựng hệ thống tài khoản kế toán áp dụng chung cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hành chính sự nghiệp ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.
Võ Thị Thanh Lan (2009), Một số giải pháp hoàn thiện công tác kế toán tại đại học Quốc gia TP. HCM, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.
Timothy Doupnik, Hector Perera (2007), International Accounting, McGRAW - HILL International Edition.
http://www.mof.gov.vn/
http://www.ifac.org/
http://www.iasplus.com/
http://www.taichinhdientu.vn/
http://www.tapchiketoan.com/
PROPOSAL OF THE MODEL TO APPLY INTERNATIONAL PUBLIC SECTOR ACCOUNTING STANDARD INTO VIETNAM
Master. NGUYEN CHI HIEU
University of Economics and Law, Vietnam National University - HCM
ABSTRACT:
Applying International Public Sector Accounting Standard (IPSAS) to Vietnam is necessary, but how is still being discussed. This article re-systemizes current theories and models of applying IPSAS on the world. Through studying how some countries in the world apply IPSAS to their countries, the authors draw lessons for Vietnam and finally propose models for Vietnam to apply IPSAS.
Keywords: International Public Sector Accounting Standard, lessons learned, models of application and publication.