Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc - Nam lên 6 làn xe theo hình thức đối tác công - tư

Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, đề xuất cho phép triển khai mở rộng các đoạn cao tốc Bắc - Nam từ quy mô 4 làn xe lên 6 làn xe theo đúng quy hoạch, thông qua phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo nghiên cứu của Tập đoàn, hiện có 5 đoạn tuyến đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án nâng cấp, bao gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Nếu thực hiện theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước có thể được tiết giảm hơn 37.000 tỷ đồng.

Trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài hơn 1.100 km, việc áp dụng đồng bộ phương thức PPP được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách lên tới 152.000 tỷ đồng, một con số đáng kể trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết doanh nghiệp đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, lựa chọn các đoạn tuyến ưu tiên để triển khai theo hình thức PPP. Tập đoàn cam kết chủ động thu xếp nguồn vốn hợp pháp trong nước, đồng thời xây dựng phương án thu hồi vốn minh bạch, hiệu quả và khả thi.

Ngoài ra, Tập đoàn đề xuất kết hợp linh hoạt giữa đầu tư công và đầu tư PPP nhằm tăng cường huy động các nguồn lực trong nước. Trong trường hợp được chấp thuận, Đèo Cả sẵn sàng lập hồ sơ đề xuất dự án và phối hợp với các doanh nghiệp trong nước để triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án PPP cấp thiết. Doanh nghiệp cam kết sử dụng vốn chủ sở hữu và nguồn vốn huy động trong nước, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, dựa trên cơ chế kiểm toán lưu lượng giao thông và doanh thu khai thác tuyến đường.

Để đảm bảo tiến độ triển khai, Đèo Cả đề xuất áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư, đổ thải, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, cũng như cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bao gồm cả việc sử dụng tạm thời đất rừng để phục vụ thi công.

Ông Huy nhấn mạnh, phương thức PPP đã được chứng minh hiệu quả qua nhiều dự án lớn, tiêu biểu là dự án hầm đường bộ Hải Vân và hiện tại là dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Việc áp dụng PPP cho các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông quốc gia.

Được biết, đến nay Nhà nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.375 km cao tốc Bắc - Nam, với quy mô từ 2 đến 4 làn xe. Trong đó, giai đoạn 1 (2017 - 2020) hoàn thành 654 km, còn 721 km thuộc giai đoạn 2 (2021 - 2025) đang được triển khai, dự kiến hoàn tất vào năm 2025 - 2026.

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực tài chính, nhiều đoạn tuyến chỉ được đầu tư ở mức phân kỳ, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng cao, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án mở rộng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông lên quy mô 6 làn xe, với mục tiêu khởi công một số dự án thành phần từ tháng 12 năm 2025.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-mo-rong-cao-toc-bac-nam-len-6-lan-xe-theo-hinh-thuc-doi-tac-cong-tu-318112.html