Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia, tăng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp được xem là 'bà đỡ' của thị trường lao động, góp phần chia sẻ rủi ro mất việc làm, bù đắp sụt giảm cho người lao động. Tuy nhiên, Luật Việc làm chưa bao phủ với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp… Do vậy, cơ quan soạn thảo để xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Khoảng 800.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp mỗi năm
Theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách mới khi sửa Luật Việc làm, trong giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân tăng 6,08%/năm. Tính đến hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cũng trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6-8% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Xu hướng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp năm sau sẽ cao hơn năm trước, vì số người tham gia tăng, mức đóng - hưởng tăng.
Năm 2023, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng; số tháng hưởng bình quân là 5 tháng. Như vậy, nếu mức hưởng bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 5 tháng, dự kiến giảm chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 2.625 tỷ đồng, tương ứng khoảng 10% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, số chi trợ cấp thất nghiệp cao phần nào có nguyên nhân chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay gồm một chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động, đó là chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra, vì thế người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ. Đến nay, chưa có người sử dụng lao động nào được hỗ trợ chế độ này theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thách thức lớn về diện bao phủ
Nhìn vào số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, so với mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn (Nghị quyết số 28-NQ/TW). Mặt khác, Luật Việc làm chưa bao phủ đối tượng là người lao động làm công hưởng lương và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (đây là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành); kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên nhưng làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Để phát huy vai trò “bệ đỡ” an sinh xã hội, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung những đối tượng nêu trên tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, bổ sung quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên, do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Luật sửa đổi cũng dự kiến bổ sung một số trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bổ sung quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động và mức hỗ trợ của Nhà nước tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến quy định tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng tại thời điểm đóng.
Kết dư lớn, đảm bảo việc hỗ trợ người lao động
Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2023 là 59.300 tỷ đồng, chi trợ cấp mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng. Sau 9 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao phủ khoảng 31,6% lực lượng lao động (tính tới cuối năm 2023). Lao động tham gia tăng bình quân 6% mỗi năm giúp nguồn thu của quỹ tăng lên. Giai đoạn 2015-2023, số thu tăng bình quân 9% mỗi năm. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp. Đến hết tháng 3-2024, hơn 7,4 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và khoảng 1,68 triệu lượt người được giới thiệu việc làm.
Song số chọn học nghề rất thấp, chỉ hơn 261.600 người và có xu hướng giảm dần trong mấy năm qua. Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc đóng - hưởng. Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nhìn chung quy định về mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là phù hợp, đảm bảo kết dư quỹ, là cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua.
Thông tin về những nội dung quan trọng trong Luật Việc làm sửa đổi, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mục tiêu của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động nhanh nhất. Quỹ này sẽ như một “giá đỡ” quản trị cho thị trường lao động. “Nếu hoạt động của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không giúp người lao động quay trở lại thị trường, người lao động cứ ngồi nhà chờ lĩnh trợ cấp thì coi như quỹ thất bại.
Mục tiêu của quỹ là cung cầu được kết nối” - ông Vũ Trọng Bình nêu quan điểm. Chính vì thế, lần sửa đổi này, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, dự thảo Luật Việc làm còn thiết kế linh hoạt các chế độ hơn. Có chế độ giúp người lao động đảm bảo đời sống, an sinh xã hội trong thời gian thất nghiệp, đồng thời mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động với nhiều chiến lược bài bản hơn.
Với nhiều giải pháp đặt ra, Bộ LĐ-TB&XH tính toán, khi sửa đổi Luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm còn khoảng 6,5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm, tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp. Dự kiến, Luật Việc làm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10-2024.