Đề xuất mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP sang tài chính, văn hóa, thể thao

Đề xuất nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực tiềm năng và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thu hút đầu tư theo phương thức PPP của một số ngành, địa phương.

Tại tọa đàm tổ chức mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã đề xuất có thêm cơ chế thu hút nguồn lực tư nhân thông qua thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo ông, hiện nay thu hút đầu tư PPP đa số tập trung tại các dự án hạ tầng, cần có cơ chế mở rộng sang các dự án lĩnh vực tài chính như cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp năng lượng, công nghệ, thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược.

Đầu tư vào giao thông vận tải chiếm 80% số dự án PPP mới.

Đầu tư vào giao thông vận tải chiếm 80% số dự án PPP mới.

Luật PPP là một trong các luật nằm trong dự án Một luật sửa 4 luật mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng. Tại Dự thảo Tờ trình, Bộ cũng nhận định đang có sự hạn chế trong lĩnh vực đầu tư PPP.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật PPP, dự án đầu tư theo phương thức PPP được thực hiện trong 5 lĩnh vực gồm giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.

Đến nay dự án PPP chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực gồm: giao thông vận tải (22 dự án đường bộ cao tốc, 3 dự án cảng hàng không, chiếm khoảng 80% tổng số dự án PPP mới), xử lý rác thải (3 dự án, chiếm khoảng 10%) và cung cấp nước sạch (3 dự án, chiếm khoảng 10%). Trong lĩnh vực y tế, có 2 dự án bắt đầu được UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Yên Bái nghiên cứu đề xuất triển khai.

Tuy nhiên, hiện nay một số Bộ, ngành, địa phương có tiềm năng và điều kiện thu hút đầu tư theo phương thức PPP trong một số lĩnh vực chưa được quy định trong luật.

Thực tế, một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã được áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, đầu tư xây dựng chợ... theo các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù phát triển của địa phương.

Nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực có tiềm năng và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần xem xét sửa đổi quy định, bổ sung một số lĩnh vực gồm: văn hóa, thể thao, hạ tầng chợ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước. Đây là các lĩnh vực đã được Quốc hội cho phép áp dụng hoặc áp dụng thí điểm tại các Luật, Nghị quyết đặc thù.

Trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức này. Đây đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ vốn nhà nước.

Các dự án PPP mới triển khai dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực tiễn trong thu hút nguồn lực tư nhân vào các lĩnh vực, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp về PPP một cách minh bạch và ổn định. Đặc biệt là về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư như đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - quản trị công. Việc áp dụng linh hoạt các mô hình này sẽ tạo ra sự chủ động cho khu vực tư nhân trong quản lý và vận hành dự án. Đồng thời giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, cần tạo cơ chế về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/de-xuat-mo-rong-linh-vuc-dau-tu-ppp-sang-tai-chinh-van-hoa-the-thao-1101970.html