Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về những tài sản không được kê biên

Tại Dự thảo Nghị định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Công an đã đề xuất quy định mới về kê biên nhà ở, phương tiện giao thông, các tài sản không được kê biên…

Theo Điều 21 Dự thảo Nghị định, chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đủ để thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

Những tài sản không được kê biên gồm: Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tài sản sau đây của đối tượng bị cưỡng chế là cá nhân: Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú;

Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng; Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng;

Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen; Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm.

Tài sản sau đây của đối tượng bị cưỡng chế là tổ chức: Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn của người lao động; Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;

Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Dự thảo cũng quy định rõ, việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế và gia đình chỉ được thực hiện nếu nhà ở đó không thuộc trường hợp quy định tại Điều 22 Nghị định này và sau khi xác định tổ chức, cá nhân đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp người bị cưỡng chế đồng ý kê biên nhà ở để thi hành quyết định cưỡng chế.

Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì người chủ trì việc kê biên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người bị cưỡng chế, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.

Về kê biên phương tiện giao thông, trường hợp kê biên phương tiện giao thông của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, người chủ trì việc kê biên yêu cầu người bị cưỡng chế, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó (nếu có).

Đối với phương tiện giao thông đang được khai thác sử dụng thì sau khi kê biên, người chủ trì việc kê biên có thể thu giữ hoặc giao cho người bị cưỡng chế, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng, bảo quản nhưng không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp.

Trường hợp giao cho người bị cưỡng chế, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng phương tiện giao thông thì người chủ trì việc cưỡng chế cấp cho người đó biên bản thu giữ giấy đăng ký để phương tiện được phép tham gia giao thông.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-cua-bo-cong-an-ve-nhung-tai-san-khong-duoc-ke-bien-post583649.antd