Đề xuất mỗi tài xế có 12 điểm, trừ hết phải thi lại bằng lái

Theo Bộ Công an, dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính.

Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ, đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Đáng chú ý, tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Bộ Công an đề xuất rất nhiều quy định mới, trong đó có vấn đề quản lý giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế.

Mỗi tài xế được 12 điểm, hết phải thi lại

Bộ Công an đề xuất mọi loại GPLX sẽ có tổng là 12 điểm và số điểm này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về TTATGT. Số điểm bị trừ ngược; đến khi về 0, GPLX sẽ bị coi là không còn hiệu lực. Điều này đồng nghĩa tài xế muốn cấp GPLX phải học và thi lấy GPLX trong thời gian ít nhất sáu tháng kể từ ngày GPLX bị coi là không còn hiệu lực.

Cũng theo Bộ Công an, dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Thông tin thêm về đề xuất này, lãnh đạo Cục CSGT cho biết số điểm sẽ không thể hiện trên GPLX mà lưu trong hệ thống dữ liệu. CSGT khi xử lý chỉ cần tra trên máy là biết tài xế còn bao nhiêu điểm. Cùng với việc quy định về điểm, Bộ Công an cũng dự kiến quy định các hành vi vi phạm tương ứng với số điểm bị trừ, chẳng hạn vượt đèn đỏ sẽ bị trừ 6 điểm, lấn làn bị trừ 5 điểm...

Đặc biệt, quyết định xử phạt sẽ phải ghi cả số điểm mà tài xế bị trừ, nếu chỉ ghi phạt tiền sẽ được coi là không hợp lệ...

Bộ Công an đề xuất mọi loại GPLX sẽ có tổng là 12 điểm và số điểm này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về TTATGT. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bộ Công an đề xuất mọi loại GPLX sẽ có tổng là 12 điểm và số điểm này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về TTATGT. Ảnh: TUYẾN PHAN

Ủng hộ nhưng còn e ngại tiêu cực

Trước đề xuất này, đa số các ý kiến bày tỏ sự ủng hộ vì cho rằng sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, một vấn đề không mới nhưng cũng không thể bỏ qua, đó là việc lo ngại tình trạng tiêu cực của lực lượng CSGT.

Anh Phan Hồ Long, một tài xế tại Hà Nội, nói sẵn sàng chấp hành việc cấp điểm vào GPLX. Tuy nhiên, điều khiến anh băn khoăn là làm sao để giám sát thực hiện một cách khách quan nhất, bởi mọi quy định chỉ phát huy hiệu quả khi nó được áp dụng nghiêm chỉnh nhất.

Tương tự, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cũng một phần ủng hộ dự thảo của Bộ Công an khi nhận định quy định này sẽ nâng cao ý thức của mỗi tài xế trong lúc cầm vô lăng. Dù vậy, ông Liên cho rằng sẽ phải tính toán thêm nhiều vấn đề. Đơn cử như chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, biển báo, trình độ nhận thức của người điều khiển phương tiện…

“Hiện nay, ngoài phạt tiền thì nhiều hành vi vi phạm TTATGT cũng bị áp dụng biện pháp tạm giữ GPLX, cao nhất có thể lên tới vài năm. Bây giờ thêm quy định này nữa, cần nghiên cứu xem có phù hợp hay không. Chưa kể số điểm không thể hiện trên GPLX mà chỉ ở trên hệ thống dữ liệu, tài xế sẽ rất khó nhớ họ còn bao nhiêu điểm, đã bị trừ những điểm gì…” - ông Liên đặt vấn đề.

Đã từng bấm lỗ giấy phép lái xe

Trước đó, năm 2003, Việt Nam cũng từng áp dụng việc bấm lỗ trên GPLX để đánh dấu vi phạm TTATGT.

Việc bấm lỗ được áp dụng cả với người điều khiển ô tô và mô tô. Nếu bị bấm lỗ lần thứ hai, tài xế sẽ phải sát hạch lại Luật Giao thông đường bộ mới được cấp đổi GPLX. Nếu bị bấm lỗ lần ba, GPLX sẽ hết giá trị sử dụng và tài xế sẽ phải chờ thêm ít nhất 12 tháng mới được phép thi sát hạch để được cấp lại GPLX.

Đến năm 2006, quy định này bị bãi bỏ. Các bộ, ngành cho rằng việc bấm lỗ trên GPLX không thể hiện thời điểm vi phạm, GPLX lem nhem thiếu thẩm mỹ; ngoài ra còn dễ phát sinh tiêu cực khi tài xế tìm mọi cách chạy chọt.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/de-xuat-moi-tai-xe-co-12-diem-bi-tru-het-phai-thi-lai-bang-la-907719.html