Đề xuất mới về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính
Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ Công an cho biết, ngày 12/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định đã quy định tương đối cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế cũng như thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên thực tiễn tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, nhiều nội dung cần phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như về lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ việc cưỡng chế; về chi phí dành cho công tác cưỡng chế; về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức cưỡng chế và một số bất cập trong các biện pháp cưỡng chế cụ thể;…
Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành như thực hiện theo mẫu biên bản số 09 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì phải có cả người đại diện tổ chức tín dụng, người đại diện doanh nghiệp ký vào biên bản xác minh là không phù hợp trên thực tế; việc xác minh thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế là hoạt động nghiệp vụ của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.
Trường hợp cá nhân, tổ chức biết sẽ rút hết tiền trong tài khoản trước khi người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC; khoản 2 Điều 14 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP thực tế không thực thi được do tổ chức, cá nhân cố tình không cung cấp thông tin về tài khoản của mình; chưa có quy định về trường hợp đại diện doanh nghiệp không đến tham gia lập biên bản xác minh; việc xác minh cũng mất nhiều thời gian nếu doanh nghiệp có nhiều tài khoản ở nhiều tổ chức tín dụng có trụ sở/chi nhánh/phòng giao dịch ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau; quy định "Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế", thực tế, các tài sản của người vi phạm thường có giá trị lớn hơn mức tiền phạt, do đó không thể kê biên được, việc áp dụng hình thức này thiếu tính khả thi; vướng mắc về trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại với cơ quan được giao thi hành quyết định cưỡng chế.
Những khó khăn, vướng mắc trên đã dẫn đến tỉ lệ và hiệu quả cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, thậm chí ảnh hưởng đến tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật.
Bộ Công an cũng cho biết, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 86, Điều 87 và Điều 88 với một số nội dung thay đổi so với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Theo Bộ Công an, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, thì việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết.
Các loại tài sản không được kê biên
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 44 điều. Trong đó, dự thảo Nghị định đã quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá gồm:
Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.
Theo dự thảo Nghị định, không được kê biên những tài sản gồm: Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú;
Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng;
Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng;
Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen; tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh; tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.
Về xác minh thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế, dự thảo nêu rõ, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xác minh thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản bao gồm những nội dung sau: Số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của cá nhân, tổ chức bị kê biên tài sản; số tiền bị xử phạt; địa điểm kê biên; chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định.
Việc kê biên tài sản phải được thông báo cho cá nhân, tổ chức bị kê biên, UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn hoặc cơ quan nơi người đó công tác trước khi tiến hành cưỡng chế kê biên 5 ngày làm việc, trừ trường hợp việc thông báo sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành kê biên.
Sẽ cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân cố tình vắng mặt
Dự thảo Nghị định cũng quy định về tổ chức thi hành cưỡng chế kê biên tài sản. Cụ thể, việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 8h đến 17h. Người ra quyết định cưỡng chế hoặc người được phân công thực hiện quyết định cưỡng chế chủ trì thực hiện việc kê biên.
Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt cá nhân bị cưỡng chế hoặc người thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự trong gia đình, đại diện tổ chức bị kê biên tài sản, đại diện UBND cấp xã và người chứng kiến. Nếu cá nhân phải thi hành quyết định cưỡng chế hoặc người thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản nhưng phải có đại diện UBND cấp xã và người chứng kiến.
Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước.
Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Ngoài ra, liên quan đến việc tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định quy định:
Khi nhận được quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Khi thực hiện cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả phải có đại diện UBND cấp xã và người chứng kiến.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện UBND cấp xã và người chứng kiến
Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.
Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.
Quá thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.