Đề xuất mới về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân
Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ cơ sở để báo cáo Quốc hội.
Sáng 14/4, tại Phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Về phân cấp, phân quyền, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình và báo cáo giải trình tại phiên họp
Chính phủ cho biết, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố cấp phép cho thiết bị X-quang trong chẩn đoán y tế (điểm b Khoản 1 Điều 77 Luật hiện hành). Tuy nhiên, theo tinh thần mới của việc xây dựng văn bản quy quy phạm pháp luật, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ quy định tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Do đó, dự kiến tại nghị định hướng dẫn luật sẽ tiếp tục phân cấp từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho UBND các tỉnh, thành phố cấp giấy phép thiết bị X-quang y tế, nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ có mức độ rủi ro thấp; chuẩn bị và ứng phó sự cố.
Theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Chính phủ sẽ phân cấp thẩm quyền cấp phép vận chuyển quá cảnh đối với các nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở xuống.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Góp ý vào dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định thẩm quyền như trên là điểm khác biệt rất lớn so với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Quan điểm chung là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng với dự án điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, do đó cần báo cáo kỹ lưỡng với Quốc hội vấn đề này.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, dự án nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế xã hội, di dân thực hiện dự án và nguồn vốn rất lớn… Đây đều là tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
“Phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ thì nhanh hơn, gọn hơn hay tốt hơn thế nào? Nếu chuẩn bị kỹ và trình Quốc hội xem xét thì có mất nhiều thời gian so với việc giao cho Thủ tướng Chính phủ? Khi trình Quốc hội với đầy đủ hồ sơ, đại biểu Quốc hội thảo luận cũng là dịp để nhân dân hiểu rõ hơn chính sách, tính pháp lý và đồng thuận cao hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp đặt vấn đề và đề nghị làm rõ, báo cáo đầy đủ hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, hiện dự án điện hạt nhân sau khi cấp có thẩm quyền đồng ý rồi thì ra Quốc hội quyết định. Tới đây ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ thì có phù hợp không vì đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng rất lớn đến quyền, nghĩa vụ, tính mạng của người dân?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi lưu ý, tinh thần phân cấp mạnh mẽ nhưng phải rõ ràng; đảm bảo giải quyết nhanh công việc nhưng phải rạch ròi về thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm.
Luật chỉ quy định những vấn đề chung, còn cụ thể thế nào sẽ nằm ở văn bản dưới luật như nghị định, thông tư. Song, ông Phan Văn Mãi cho biết, nhiều hồ sơ chưa có các văn bản này kèm theo, do đó phải chuẩn bị ban hành sớm để luật đi vào cuộc sống.
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ giải trình rõ cơ sở phân cấp, phân quyền cũng như đánh giá tác động liên quan để đảm bảo an toàn và chủ động, vì an toàn hạt nhân được đặt lên trên hết, trước hết và cao nhất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng
“Chúng tôi sẽ xin ý kiến lại với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm cá nhân tôi là tiếp cận theo quy mô dự án chứ không chỉ quy mô vốn, theo hướng dự án có quy mô nhỏ và vừa, tiêu chuẩn hóa, kiểm soát được thì nên giao Thủ tướng Chính phủ quyết định; còn dự án quy mô lớn, tác động ảnh hưởng rất lớn từ vận hành cho đến sau dừng hoạt động thì Quốc hội quyết định”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến, đồng thời đề nghị vấn đề nào rõ thì sớm thông qua để làm cơ sở cho triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ cho biết Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 quy định 76 thủ tục hành chính, còn dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) quy định 51 thủ tục hành chính.
Theo đó, dự kiến bãi bỏ 25 thủ tục hành chính; sửa đổi 9 thủ tục hành chính; giữ nguyên 42 thủ tục hành chính. Như vậy, số lượng thủ tục hành chính giảm 25 thủ tục, tương ứng với mức giảm 32,9 %.
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) không quy định chi tiết về thủ tục hành chính mà giao cho Chính phủ quy định.