Đề xuất một số dự án trọng điểm về môi trường tại Đồng bằng sông Hồng
Tại hội nghị của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng sáng 20/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã tham luận về giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển xanh, bền vững vùng.
Theo Bộ trưởng, Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một trong 6 vùng kinh tế của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Đây còn là nơi có các giá trị thiên nhiên vô cùng độc đáo với nhiều di sản thiên nhiên đã được thế giới công nhận, các giá trị cảnh quan và hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, nên có tiềm năng lớn để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, vùng ĐBSH đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, nhất là ô nhiễm không khí và suy giảm chất lượng môi trường nước.
Thời gian qua các địa phương vùng ĐBSH đã quan tâm chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước đã được các địa phương và Thủ đô Hà Nội tập trung chỉ đạo hiệu quả, đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế của Việt Nam (như chuyển từ kinh tế "nâu" sang "xanh" của Quảng Ninh).
Mặc dù vậy, công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh của các địa phương vùng ĐBSH vẫn tồn tại rất nhiều thách thức, nhất là trong công tác bảo vệ môi trường để khắc phục được các tồn tại, thách thức trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cũng như đánh thức được các tiềm năng lợi thế nhằm phát triển vùng ĐBSH một cách toàn diện, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xứng đáng với vị trí là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp, mà trước hết là hoàn thành việc lập và phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022.
Quy hoạch này phải bảo đảm liên kết bảo vệ môi trường vùng và liên tỉnh, các lưu vực sông liên tỉnh, các khu vực ven biển liên tỉnh; phương hướng xác lập các khu vực về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học liên tỉnh; phương hướng tổ chức không gian các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng và liên tỉnh; cơ chế phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường trong vùng.
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng cần sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch tỉnh, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh; xác định rõ các mục tiêu về bảo vệ môi trường để dẫn dắt, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh.
Xây dựng, tổ chức triển khai các chính sách cụ thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội-môi trường của địa phương, triển khai quy hoạch môi trường và quy hoạch phát triển mạng lưới quan trắc môi trường (bao gồm cả không khí) làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Khai thác tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo.
Tăng cường kết nối, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Quy hoạch đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.
Bộ cũng đề xuất nghiên cứu, xây dựng triển khai một số chương trình/dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 50-10 năm tới.
Cụ thể như chương trình/dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, trước mắt tập trung cho các đô thị trên các lưu vực sông lớn như: Sông Cầu, Nhuệ-Đáy; dự án tăng cường năng lực, đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động ở các đô thị lớn
Đồng thời, tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực quốc tế phục vụ cho bảo vệ môi trường và cho việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, như COP26, JETP. Lồng ghép các nội dung phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường của vùng ĐBSH trong các cơ chế hợp tác.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chú trọng đổi mới công tác vận động, thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án tuần hoàn, dự án phát thải carbon thấp. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính, kiểm soát tốt nguồn phát thải và quản lý chặt chẽ các cơ sở phát thải khí nhà kính. Xây dựng kế hoạch hành động của địa phương thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và triển khai thực hiện hiệu quả.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ TN&MT sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương trong Hội đồng điều phối vùng ĐBSH xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động của Hội đồng; đặt quyết tâm cao hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra của Hội đồng vì sự phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh của vùng.