ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG VIỆC CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ TẠI VIỆT NAM
Năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021'. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề xuất một số giải pháp trong việc chuyển dịch năng lượng được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang cùng với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành giám sát tại một số địa phương. Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi luật pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề chuyển dịch năng lượng, trong đó các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT) đang là xu hướng chủ yếu, mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay, đặc biệt là trong 5 năm gần đây.
TSKH.Mai Duy Thiện - Chủ Tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam dẫn nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó, tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỷ lệ đã tăng lên 12%, năm 2022 đầu tư cho năng lượng sạch dự kiến đạt 1400 tỷ USD chiếm gần 60% tổng đầu tư cho toàn ngành năng lượng.
Tổng đầu tư toàn cầu cho chuyển đổi năng lượng tăng từ 250 tỷ USD năm 2010 lên 500 tỷ USD năm 2020 và đặc biệt là tới 755 tỷ USD (gấp hơn 3 lần 2010) vào năm 2021. Trong đó, năm 2021 đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và điện mặt trời) đã thu hút được 366 tỷ USD cho dự án mới (chiếm khoảng 70% tổng đầu tư các dự án nguồn điện mới), nửa đầu năm 2022 đã có 226 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo. Dự báo của IEA, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Uớc tính, công suất điện gió và điện mặt trời sẽ vượt công suất của điện khí vào năm 2023 và nhiệt điện than vào năm 2024
Như vậy, chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã là xu hướng chủ đạo trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện và là tất yếu trong phát triển bền vững, phát triển xanh trên thế giới.
Những chủ trương, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được xác định từ sớm
TSKH.Mai Duy Thiện nhận định: Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong những năm vừa qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho NLTT (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam (78121 MW), trong đó điện gió 4.126 MW, điện mặt trời mái nhà 7.660 MW, điện mặt trời trang trại 8.904 MW, thủy điện 22.111MW, điện sinh khối 325 MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Về điện mặt trời, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất.
Giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ NLTT.
Để thực hiện hóa được chiến lược phát triển năng lượng sạch/NLTT, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn NLTT trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/ hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh NL quốc gia.
Chính vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT. Tại Hội nghị COP26, COP27 qua diễn ra tại Vương quốc Anh và Ai Cập, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.
Những chủ trương, chiến lược phát triển NLTT đã được xác định từ sớm như: Phát triển thủy điện từ những năm 2000, phát triển điện gió từ sau 2010, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55 - NQ/TW (Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020)… đã huy động được nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển NLTT và đã đạt được những kết quả vượt bậc, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, đưa Việt Nam đứng đầu Đông nam Á về phát triển NLTT.
Theo TSKH.Mai Duy Thiện, chủ trương phát triển năng lượng tái tao là cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…
Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Mục tiêu trong Chiến lược phát triên NLTT là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050…
Trong thời gian từ năm 2017-2022, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời... Bên cạnh đó, đầu tư vào phát triển NLTT được hưởng ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư và được ưu đãi thuế trong 15 năm.
Để có cơ sở đầu tư, phát triển trong thời gian tới, theo Quy hoạch điện 8, hệ thống điện Việt Nam sẽ phát triển theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại Hội nghị COP 26 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc phát phát triển điện từ gió, mặt trời tiếp tục được khai thác tối đa, hiệu quả với giá hợp lý. Cơ chế đối với các dự án NLTT chuyển tiếp cũng đang được đề xuất xem xét. Theo Quy hoạch điện 8, hàng chục ngàn MW nhiệt điện than được đề nghị loại khỏi qui hoạch, với phương án điều hành, phụ tải cao và chuyển đổi năng lượng, đến năm 2045 tỷ lệ điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 50% tổng công suất toàn hệ thống.
Từ các cam kết tại COP26, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện kế hoạch hành động Quốc gia tăng trưởng xanh. Một loạt các chương trình, đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển NLTT đang được chỉ đạo thực hiện, nghiên cứu trong thời gian tới như: Sửa đổi Luật Điện lực; Nghiên cứu xây dựng Luật về năng lượng tái tạo, hoàn thiện các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo theo hướng minh bạch và ổn định (khung chính sách, qui định về cắt giảm công suất…); Quy hoạch tổng thể về năng lượng phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; Quy hoạch điện lực quốc gia phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tiến tới loại bỏ nhiệt điện than trước năm 2040; Xây dựng quy định, chế tài hàng năm đối với việc áp dụng tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo cho các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện phù hợp với mục tiêu giảm phát thải; Hoàn thiện các thị trường năng lượng cạnh tranh, xây dựng cơ chế giá hiệu quả, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ và lưu trữ năng lượng; Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành thị trường điện phù hợp với bối cảnh tỷ trọng các nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao; Hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực, khung pháp lý cho phép các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng truyền tải; Hoàn thiện các chương trình Quản lý nhu cầu (DSM) và Điều chỉnh phụ tải điện (DR) phù hợp với xu hướng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện...
Như vậy, từ chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xu hướng chuyển đổi năng lượng và phát triển NLTT tại Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và tập trung phát triển trong thời gian tới.
Một số giải pháp để thực hiện chuyển dịch hiệu quả sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Để thực hiện hiệu quả phát triển năng lượng sạch, TSKH.Mai Duy Thiện đưa ra một số kiến nghị. Theo đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt Quy hoạch điện 8, Chiến lược, quy hoạch năng lượng; Cần xây dựng giá mua điện hợp lý trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa bên bán và bên mua điện (bên bán là các nhà đầu tư, bên mua là EVN).
Các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi cần triển khai khẩn trương để có thế hoàn thành phê duyệt sớm. Cơ chế, chính sách cho phát triển NLTT cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án; Nghiên cứu qui định về điện mặt trời áp mái tự dùng không nối lưới tại các khu công nghiệp; Ban hành đồng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thủy điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện; Sớm ban hành quyết định cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp DPPA. Cùng với kế hoạch phát triển NLTT, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo để sản xuất chuỗi sản phẩm thiết bị NLTT tại Việt Nam.
Đề xuất cần có 1 bộ luật riêng về năng lượng tái tạo và đưa ra đề xuất cho các quy hoạch năng lượng/điện và chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững, bà Cao Thị Thu Yến- chuyên gia năng lượng và môi trường, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 nêu quan điểm: Trên thực tế, một quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ với kết quả to lớn diễn ra tại Việt nam trong 5 năm vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, sự bùng nổ về nguồn NLTT khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, thiếu nghiên cứu tổng hợp, đầy đủ về chuyển dịch năng lượng và các nghiên cứu thành phần chuyên sâu cho từng loại hình năng lượng, đã tạo ra nhiều vấn đề bất cập trước mắt và lâu dài đối với hệ thống cung ứng năng lượng và toàn xã hội. Việc này cần sớm có giải pháp xử lý từng bước và đồng bộ. Mặt khác, hiện nay đang thiếu luật riêng về năng lượng tái tạo nên chưa có các định nghĩa rõ ràng cho các loại năng lượng tái tạo như Hydrogen và dẫn xuất. Vì vậy, cần phải có 1 bộ luật riêng về NLTT.
Ngoài ra, cơ chế thực hiện đấu thầu NLTT chưa hoàn thiện. Loại nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn và có tính ổn định cao như điện gió ngoài khơi hiện đang vướng mắc từ khâu khảo sát đến thực hiện đầu tư dự án; Chưa có cơ chế tài chính cho hệ thống tích trữ năng lượng như pin, thủy điện tích năng... Việc chậm phát triển hệ thống lưu trữ sẽ dẫn đến hạn chế khả năng huy động nguồn năng lượng tái tạo.
Theo bà Cao Thị Thu Yến, để có thể thực hiện hiệu quả các quy hoạch năng lượng, điện và chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững, các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến nghiên cứu Kế hoạch chuyển dịch năng lượng cấp quốc gia cần được các Bộ ngành chủ quản giao triển khai một cách đồng bộ và đủ sớm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan. Đề xuất cách tiếp cận/phối hợp khi nghiên cứu Kế hoạch chuyển dịch năng lượng ngành điện quốc gia do EVN chủ trì như: Trên cơ sở các định hướng đã được duyệt về cung cấp năng lượng, tham chiếu kết quả nghiên cứu các quy hoạch dự thảo liên quan như Quy hoạch điện 8, Quy hoạch không gian biển... cũng như dự báo chuyển dịch lớn về nhu cầu năng lượng các ngành như giao thông, phát triển đô thị, công nghiệp…
Ngoài ra, EVN chủ trì càng sớm càng tốt để triển khai lập Dự thảo Kế hoạch chuyển dịch năng lượng ngành điện (mốc giả thiết là tháng 9/2023) và chỉnh sửa, hoàn thiện sau khi tham vấn, thống nhất với các bên liên quan ngoài EVN và trong EVN (mốc giả thiết là tháng 12/2023)./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77869