Đề xuất nâng lợi nhuận định mức làm nhà ở xã hội lên 15%

Lãnh đạo Hoàng Quân, Thắng Lợi cho rằng cần nới tỷ suất lợi nhuận từ 10% lên 15% để phát triển thị trường, không nên quá lo doanh nghiệp lời nhiều bởi có quy luật cạnh tranh.

Trong góp ý dự thảo thông tư sửa đổi về phát triển quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) cho biết việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn.

"Giá cổ phiếu HQC từ 37.000 đồng/cổ phiếu giảm còn 3.000 đồng/cổ phiếu đã nói lên tất cả", ông Tuấn nói về sự đảo chiều chính sách các năm trước khiến doanh nghiệp lâm vào thế khó.

Đầu tiên là khó khăn về quỹ đất khi các thành phố lớn như TP.HCM đã không còn nhiều. Đó cũng là khó khăn lớn nhất cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc có nhu cầu lớn và đang được ưu tiên này.

Ông đề xuất có thể sử dụng đất của doanh nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhưng số tiền doanh nghiệp bỏ ra để mua đất cần được chuyển thành chi phí thực hiện dự án, số tiền bỏ ra phải tính theo giá thị trường mới đảm bảo quyền lợi.

 Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân đề xuất nâng lợi nhuận định mứcnhà ở xã hội lên 15% để thị trường phát triển. Ảnh: HQC.

Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân đề xuất nâng lợi nhuận định mứcnhà ở xã hội lên 15% để thị trường phát triển. Ảnh: HQC.

Hoàng Quân hiện có 10 dự án đã hoàn thành với khoảng 10.000 căn được cung ứng. Công ty này còn đang phát triển 15 dự án khác (bao gồm 12 dự án đã triển khai xây dựng và 3 dự án đang xin giấy phép xây dựng) với kế hoạch cung cấp thêm 15.000 căn.

Người đứng đầu Hoàng Quân nói rằng doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện 50.000 căn trong đề án 1 triệu cănnhà ở xã hội. Công ty tự tin hoàn thành ít nhất số lượng đã đăng ký đến trước thời hạn năm 2030.

Lãnh đạo tập đoàn còn đề cập đến khó khăn trong việc vay vốn thực hiện dự án. Chẳng hạn vào tháng 8/2022, công ty có 4 dự án được vay vốn theo Nghị định 31 về gói vay hỗ trợ giảm lãi suất 2%.

"Doanh nghiệp vui mừng liên hệ với Ngân hàng Nhà nước tại địa phương nhưng cuối cùng không được cho vay. Lý do là đụng tới giảm 2% sẽ bị thanh kiểm tra và thủ tục hành chính nhiều", vị này nhắc lại.

Người đứng đầu Hoàng Quân dẫn quy định phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà xã hội nhưng doanh nghiệp phải vay với lãi suất bình thường thì “lỗ là cái chắc”, chưa kể một số dự án chỉ làm thủ tục hành chính mất 2 năm.

Một khó khăn khác là vấn đề sinh lời, để doanh nghiệp mặn mà với tham gia vào đề án phát triển nhà xã hội, ông Tuấn nêu ý kiến cần nới tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư từ 10% lên 15%.

"Nhà nước đừng quá lo việc doanh nghiệp thực hiện dự ánnhà ở xã hội sẽ lời nhiều bởi quy luật cạnh tranh sẽ tự bù trừ lại, các doanh nghiệp sẽ phải tự cạnh tranh về chi phí và giá bán", ông bày tỏ.

Mức lợi nhuận định mức 10% theo lý thuyết là phù hợp nhưng thực tiễn chưa phù hợp. Nếu tỷ lệ quá cao sẽ dẫn tới việc có phản cảm với nhà ở xã hội nhưng nếu quá thấp quá không có người đầu tư. Mức lợi nhuận định mức 15% theo ông Tuấn là phù hợp, bởi trừ đi các chi phí hợp lý khác thì doanh nghiệp mới thực lãi 10%.

Cùng quan điểm, ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group, tin rằng nếu vẫn giữ tỷ suất sinh lời 10% thì Nhà nước cần có chính sách thưởng thêm cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực ưu tiên này.

"Nhà nước đang tính rất kỹ như chi phí marketing tối đa 2% doanh thu nhưng thực tế cao hơn. Do vậy, sau khi quyết toán dự án, cần thưởng lại cho doanh nghiệp 3-5% để bù vào các chi phí hợp lý khác", ông Thành nêu ý kiến.

Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản còn nêu các khó khăn khác liên quan đến việc đầu tư hạ tầng tiện ích, loại bỏ tỷ lệ dành 20% diện tích cho thuê, xác định tiêu chí người mua nhà để giao nhà đúng đối tượng, giao chủ đầu tư điều hành quản lý thay vì ban quản trị chung cư như hiện nay...

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-xuat-nang-loi-nhuan-dinh-muc-lam-nha-o-xa-hoi-len-15-post1408296.html