Đề xuất nâng mức hỗ trợ chi phí R&D của doanh nghiệp lên tới 75%
Đề xuất nâng mức hỗ trợ R&D cho doanh nghiệp FDI cao hơn 50%, mở rộng các công trình, dự án được hỗ trợ..., VCCI kỳ vọng tăng tính lan tỏa của Quỹ hỗ trợ đầu tư khi được áp dụng.
Mức hỗ trợ chi phí R&D có thể lên tới 75%
Trả lời công văn số 10689/BKHĐT-ĐTNN ngày 19/12/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị nâng mức hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp, có thể lên tới 75%. Trong Dự thảo, mức hỗ trợ tối đa đang được đề xuất lên đến 50%.
Mức cao này được đề nghị trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D, như một trường đại học, viện nghiên cứu. Mục tiêu là đảm bảo tính lan tỏa trong nền kinh tế, theo VCCI.
Theo VCCI, cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan tỏa đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam thực hiện hoạt động R&D tại các doanh nghiệp này.
Liên quan đến nội dung hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Theo đó, nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị).
“Chính sách như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác”, VCCI bày tỏ quan điểm.
Hiện tại, Dự thảo quy định về việc hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định với tỷ lệ hỗ trợ có thể lên đến mức cao nhất 40%. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, tài sản này, gồm cả động sản và bất động sản, vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Điều kiện để được hỗ trợ là doanh nghiệp phải cam kết tài sản đó được sử dụng cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao ít nhất 3 năm.
VCCI cũng đề nghị bổ sung nhà ở dành cho công nhân, người lao động vào diện công trình được hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng. Điều 19 của Dự thảo đang quy định mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư hạ tầng xã hội, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư.
“Đây là hình thức hỗ trợ không chỉ có lợi cho dự án đầu tư mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh dự án. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải… Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này”, VCCI đề xuất cụ thể
Làm rõ các điều kiện được hỗ trợ
Liên quan đến điều kiện hỗ trợ, VCCI đề nghị quy định này theo hướng xác định rõ điều kiện. Vì VCCI băn khoăn không rõ cách hiểu với nội dung mà Dự thảo đưa ra, đó là “doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đất đai và các quy định khác của pháp luật”.
Một mặt, VCCI đặt câu hỏi “các quy định khác của pháp luật” được hiểu thế nào. Mặt khác, VCCI lo ngại yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì mới được hỗ trợ thì có thể là điều bất khả thi.
Thứ nhất, nhiều vi phạm của doanh nghiệp rất nhỏ và không liên quan đến việc được hỗ trợ, ví dụ doanh nghiệp chậm làm thủ tục đăng ký khuyến mại tại một tỉnh nào đó cũng có thể sẽ được coi là lý do để không được hưởng hỗ trợ.
Thứ hai, cơ quan thẩm định điều kiện được hỗ trợ cũng không đủ thời gian, nguồn lực và chuyên môn để chắc chắn rằng doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định của pháp luật trước khi chấp thuận hỗ trợ.
“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng xác định rõ các hành vi vi phạm là điều kiện để từ chối hỗ trợ, và chỉ nên giới hạn ở một số hành vi có liên quan đến pháp luật về hỗ trợ đầu tư hoặc các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực khác”, VCCI gửi đề xuất.
Cùng với đó, VCCI đề nghị quy định rõ quy trình hỗ trợ để nhà nhà đầu tư tính toán các phương án, bao gồm cả tình huống không được hỗ trợ, để có kế hoạch đầu tư phù hợp.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư. Việc chi trả tiền hỗ trợ đầu tư vẫn được thực hiện từng năm, nhưng lúc này tiền hỗ trợ chỉ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng phần nghĩa vụ của họ, chứ không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách hay các doanh nghiệp khác”, VCCI đề nghị phương án.
Đương nhiên, VCCI nhận định, việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước. VCCI cho rằng, Nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay. Có thể mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được.