Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh lên 50%
Ngày 27/3, Bộ Y tế triển khai một số quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); tổng kết tình hình thực hiện các Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; số 75/2023/NĐ-CP; số 02/2025/NĐ-CP và xin ý kiến về dự thảo nghị định quy định chi tiết; hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.
Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ để thông qua vào ngày 15/5 và có hiệu lực từ 1/7/2025, thay thế Nghị định số 146/2018, Nghị định số 75/2023 và Nghị định số 02/2025 của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định mới tập trung vào 4 tồn tại
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
6 chính sách mới nổi bật có thể kể đến: Luật BHYT sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia; điều chỉnh trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng.
Cùng với đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định về khám chữa bệnh (KCB) BHYT, trong đó có đăng ký KCB ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB năm 2023. Người bệnh được lựa chọn cơ sở KCB ban đầu cũng như được chuyển cơ sở KCB linh hoạt, theo yêu cầu của chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị.
Mặt khác, Luật BHYT quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp KCB BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh. Theo đó, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu.
Luật BHYT cũng điều chỉnh tỷ lệ chi cho KCB BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT
Bên cạnh đó, Luật BHYT bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế.
Ngoài ra, Luật BHYT bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT, biện pháp xử lý đối với các trường hợp này và nhiều quy định quan trọng khác.
Để bảo đảm triển khai kịp thời, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 02/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146 năm 2018 và Nghị định số 75 năm 2023.
Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định mới gồm 3 nhóm nội dung cơ bản: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHYT số 51; khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh thực tiễn khi thực hiện Nghị định số 146, số 75 và số 02; tháo gỡ các tồn tại thực tiễn trong KCB BHYT và thanh toán chi phí KCB BHYT.
Đặc biệt, dự thảo Nghị định mới tập trung vào 4 tồn tại. Đó là quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh quy mô giường bệnh. Quy định thanh toán BHYT thực hiện trên các thiết bị y tế cho, tặng nhưng chưa thể xác lập sở hữu toàn dân trước ngày 4/3/2023.

Quang cảnh hội nghị.
Quy định thanh toán thuốc, thiết bị y tế, hóa chất đối với cơ sở KCB tư nhân.
Quy định lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản theo quy định tại điểm e và điểm h khoản 4 Điều 22 của Luật BHYT.
Đây là dịp để ngành y tế cùng nhìn lại quá trình triển khai chính sách BHYT thời gian qua, phân tích những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ xem xét ban hành.
Dự kiến sẽ tăng thêm 3.700 tỷ đồng hỗ trợ học sinh đóng BHYT
Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến hết năm 2024, cả nước có hơn 95,5 triệu người tham gia BHYT, đạt mức bao phủ BHYT là 94,29%. Trong số này, 24% người tham gia có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước (trong đó có học sinh, sinh viên (HSSV)); đông nhất là hộ gia đình (28%).
Đề cập đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Vũ Nữ Anh cho biết, hiện nay, mức đóng BHYT hằng tháng của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại HSSV tự đóng 70%).
Thời gian qua, cử tri nhiều địa phương đề xuất Bộ Y tế miễn, giảm mức đóng BHYT cho HSSV. Không chỉ vậy, khi xây dựng Luật BHYT sửa đổi bổ sung (hiệu lực từ 1/7/2025 trừ một số điều có hiệu lực từ 1/1/2025), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cho HSSV được tham gia BHYT linh hoạt.
Do trong gia đình đông người, nếu HS chỉ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% thì mức phải đóng sẽ cao hơn mức đóng nếu tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT cho hay, trong báo cáo đánh giá tác động, với nhóm HS phổ thông từ lớp 1-12, ngành y tế dự kiến nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tăng thêm 3.700 tỷ đồng để nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50%.
Với nhóm SV, hiện nay có khoảng 2,8 triệu người, vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ là 30%. Cơ quan soạn thảo đã bổ sung cụ thể vấn đề này sẽ trình Chính phủ thời gian tới. Như vậy, nếu được nâng mức hỗ trợ đóng BHYT lên 50%, HS chỉ cần đóng 631.800 đồng/năm, tương đương gần 53.000 đồng/tháng.
Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT đang được lấy ý kiến, phương thức đóng BHYT của một số nhóm đối tượng, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất quy định bằng 4,5% mức tiền lương tháng, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tiền lương hưu, mức lương cơ sở như quy định của Nghị định số 146. Lý giải về mức đóng này, theo Bộ Y tế, do hiện nay Quỹ BHYT vẫn đang kết dư và để ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng là nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định; người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; người được tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng.