Đề xuất nâng thù lao cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

Đây là nội dung được nêu tại Hội thảo về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức.

Chiều 14-4, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Tọa đàm “Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.

 Quang cảnh hội thảo “Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”. Ảnh: TRẦN MINH

Quang cảnh hội thảo “Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”. Ảnh: TRẦN MINH

Công nghệ thông tin, chuyển đổi số - yếu tố then chốt trong thời đại mới

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thạo, Trưởng phòng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), cho biết kể từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành năm 2012, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã xây dựng và ban hành tổng cộng 24 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 7.600 văn bản khác để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc hình thành hệ thống thể chế, chính sách tương đối đầy đủ đã góp phần đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Luật cũng đã xác định tương đối đầy đủ trách nhiệm, phạm vi thẩm quyền giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, đồng thời cải thiện nguồn nhân lực, đa dạng hóa hình thức truyền thông pháp luật theo hướng phù hợp với đặc thù vùng miền.

Tuy nhiên, bên những kết quả đạt được, việc thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp, vi phạm pháp luật ở một số địa bàn có chiều hướng gia tăng.

Đổi mới toàn diện để phù hợp thực tiễn

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ đơn thuần là tuyên truyền, mà còn là nền tảng hình thành văn hóa pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ thực hiện, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đang bộc lộ nhiều bất cập và đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Tại Tọa đàm, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã nếu một số điểm nghẽn lớn trong quá trình thực thi luật.

Cụ thể, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu rõ ràng, dẫn đến tình trạng hoạt động manh mún, thiếu hiệu quả. Hội đồng phối hợp các cấp dù đã hình thành nhưng chưa thực sự phát huy vai trò điều phối.

Việc tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn hình thức, thiếu sát thực với từng nhóm đối tượng. Công nghệ thông tin chưa được khai thác hiệu quả; trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội vẫn chưa được công nhận là kênh phổ biến pháp luật chính thống dù tiềm năng lớn. Tủ sách pháp luật – một hình thức phổ biến truyền thống – dần trở nên lỗi thời, trong khi hệ thống pháp luật điện tử quốc gia chưa được đưa vào vận hành.

Nguồn nhân lực cũng là điểm yếu đáng kể: báo cáo viên nhiều nhưng hoạt động chưa hiệu quả do quy trình lựa chọn còn nặng về hình thức. Đồng thời, chế độ chính sách cho lực lượng tuyên truyền viên chưa đảm bảo, khiến công tác xã hội hóa gặp khó khăn lớn.

Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp Đồng Nai kiến nghị mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật, bao gồm cả doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Đồng thời, luật cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước ở từng cấp, có chính sách ưu tiên cho nhóm yếu thế và đặc biệt là xác định tỷ lệ chi ngân sách tối thiểu cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...

Đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung

Tại buổi hội thảo, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cho rằng với lực lượng 296 báo cáo viên pháp luật và 2.474 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, tỉnh Bình Dương đang là địa phương có đội ngũ phổ biến giáo dục pháp luật tương đối mạnh. Hàng năm, lực lượng này tổ chức trung bình khoảng 8.000 buổi tuyên truyền, trong đó 90% số người tham gia trực tiếp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã có bản tham luận gửi Bộ Tư pháp, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện công nhận, miễn nhiệm và chính sách đãi ngộ cho lực lượng này. Đáng chú ý, các đề xuất bao gồm: bổ sung tiêu chí kinh nghiệm thực tiễn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm pháp luật, áp dụng quy trình công nhận trực tuyến, xây dựng quy chế đánh giá hiệu quả định kỳ và tăng cường quyền miễn nhiệm cho cơ quan tư pháp.

Về chính sách, địa phương kiến nghị điều chỉnh mức thù lao từ 1.600.000 đến 2.000.000 đồng/người/buổi theo trình độ và chất lượng, bổ sung phụ cấp định kỳ, và đầu tư mạnh hơn cho hoạt động tuyên truyền tại cơ sở, nhất là ở vùng khó khăn.

Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm chuyên nghiệp hóa lực lượng “cầu nối pháp luật” và đưa pháp luật đến gần hơn với người dân trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-nang-thu-lao-cho-doi-ngu-bao-cao-vien-tuyen-truyen-vien-phap-luat-post844355.html