Đề xuất nâng trần nợ vay lên 200% cho đô thị đặc biệt

Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều dự án lớn. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị nâng trần nợ vay lên 200% để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tại phiên thảo luận 26/5 của Quốc hội về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) và đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP. Hà Nội) đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất điều chỉnh một số nội dung cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng ngân sách, đảm bảo phân cấp gắn với trách nhiệm và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cho các địa phương.

TP. Hồ Chí Minh cần cơ chế riêng để bảo đảm dư địa tài khóa cho đầu tư công

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao sự phối hợp đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ, đồng thời đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Góp ý cụ thể về khoản 6 Điều 7, ông cho rằng việc điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương là cần thiết trong tình hình mới hiện nay.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: VPQH

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: VPQH

Ông lý giải, sau quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính, quy mô quản lý của nhiều tỉnh, thành đã mở rộng đáng kể, từ đó đặt ra yêu cầu rất lớn về đầu tư kết nối trong nội thành, kết nối vùng và kết nối giữa các địa phương. Theo ông, các địa phương đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, nhất là hệ thống đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh được hưởng trần nợ vay tối đa là 120% phần ngân sách thu được hưởng theo phân cấp, theo Nghị quyết 98. Tuy nhiên, theo đại biểu Ngân, với quy mô đầu tư và tốc độ phát triển hiện nay, mức trần này có thể không còn đủ đáp ứng. “Chúng tôi thấy trong thời gian tới có thể vượt trần” ông phát biểu, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét nâng trần này lên mức từ 150% đến 200%.

Ông nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 đến 2030 với tổng nhu cầu lên tới 1,1 triệu tỷ đồng. Trong số này, nguồn thu từ đất được dự kiến đóng góp khoảng 550.000 tỷ đồng. Đây là khoản thu rất quan trọng, không chỉ để triển khai các dự án lớn mà còn giúp địa phương chủ động cân đối ngân sách.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị giữ nguyên quy định địa phương hưởng 100% khoản thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, như hiện hành. Ông cho biết, nếu dự thảo mới quy định ngân sách trung ương điều tiết 30% các khoản thu này thì TP. Hồ Chí Minh sẽ bị hụt khoảng 165.000 tỷ đồng trong 5 năm, tương đương mỗi năm khoảng 33.000 tỷ đồng.

Theo ông, khoản hụt thu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai hàng loạt công trình giao thông trọng điểm và hạ tầng kết nối liên vùng, bao gồm các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, dự án đường sắt đô thị, các cây cầu như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Bình Tiên, cầu Nguyễn Khoái. Riêng đề án phát triển đường sắt đô thị đã xác định cần tổng vốn đầu tư 40 tỷ đô la Mỹ trong 10 năm, trong đó 5 năm đầu cần khoảng 16 tỷ đô la Mỹ.

Từ thực tiễn trên, ông đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa thực hiện điều tiết khoản thu từ đất trong vòng 10 năm tới để các địa phương có đủ nguồn lực đầu tư. Nếu bắt buộc phải điều tiết thì nên ở mức tối đa từ 5 đến 10 phần trăm.

Phân bổ ngân sách cần gắn với đầu ra

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng việc sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu kiểm soát chi tiêu, sử dụng hiệu quả nguồn lực công đang ngày càng được cử tri và nhân dân quan tâm. Bà đánh giá cao quá trình xây dựng dự thảo, tinh thần cầu thị của Bộ Tài chính và đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số nội dung cụ thể để đảm bảo khả năng thực thi cao hơn.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội. Ảnh: VPQH

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội. Ảnh: VPQH

Theo bà, cần kiên trì nguyên tắc phân bổ ngân sách theo đầu ra, nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong sử dụng ngân sách, tạo áp lực tích cực trong tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả chi tiêu công.

Về Điều 10, tại điểm a khoản 2, bà đề xuất quy định rõ trách nhiệm hướng dẫn của Chính phủ đối với cơ chế sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhằm thống nhất cách triển khai, tăng cường giám sát và tính minh bạch trong sử dụng ngân sách.

Đối với điểm b khoản 2, bà đề xuất bổ sung điều kiện để hỗ trợ ngân sách cấp dưới chỉ khi cấp đó đã sử dụng ít nhất 50% dự phòng của mình nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo bà, điều này là cần thiết để thúc đẩy trách nhiệm của các địa phương, tránh tâm lý trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách trung ương.

Về nội dung điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, bà cho rằng cần thận trọng hơn với những trường hợp điều chỉnh không thông qua hệ thống cơ quan dân cử. Bà đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu và báo cáo lại với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm đảm bảo sự phân định rõ ràng giữa kiểm soát quyền lực và quyền tự chủ của địa phương.

Một nội dung được bà đặc biệt nhấn mạnh là vấn đề chuyển nguồn ngân sách cuối năm. Theo bà, hiện nay số tiền chuyển nguồn là rất lớn. Dẫn lại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, bà cho biết năm 2023 có tới 1.239.000 tỷ đồng chuyển sang năm 2024, chiếm 39% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước. Bà đề nghị cần có quy định cụ thể hơn trong khoản 3 Điều 63 để xử lý rõ ràng những trường hợp như Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho ngân sách địa phương trước ngày 30 tháng 9 nhưng UBND cấp tỉnh giao cho đơn vị cấp dưới sau thời điểm này.

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh được hưởng trần nợ vay tối đa là 120% phần ngân sách thu được hưởng theo phân cấp, theo Nghị quyết 98. Tuy nhiên, với quy mô đầu tư và tốc độ phát triển hiện nay, mức trần này có thể không còn đủ đáp ứng.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-nang-tran-no-vay-len-200-cho-do-thi-dac-biet-389377.html