Đề xuất Ngân hàng Nhà nước nắm quyền cho vay đặc biệt
Chính phủ đề xuất chuyển quyền cho vay đặc biệt 0%, không tài sản bảo đảm từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước để tăng phân cấp và xử lý kịp thời rủi ro.
Sáng 20/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Một trong những thay đổi đáng chú ý là đề xuất chuyển quyền quyết định cho vay đặc biệt từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước.

Ảnh minh họa.
Theo tờ trình, các khoản vay đặc biệt – bao gồm cả trường hợp không có tài sản bảo đảm hoặc áp dụng lãi suất 0%/năm – hiện phải chờ quyết định từ Thủ tướng. Trong lần sửa đổi này, cơ quan quản lý muốn trao quyền trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước nhằm rút ngắn thời gian xử lý, loại bỏ tầng nấc trung gian và đảm bảo phản ứng nhanh khi hệ thống ngân hàng gặp sự cố.
Các tình huống có thể được áp dụng cho vay đặc biệt gồm: hỗ trợ chi trả tiền gửi trong trường hợp rút tiền hàng loạt, thực hiện phương án phục hồi tổ chức tín dụng yếu kém hoặc chuyển giao bắt buộc.
Thay đổi này đã nhận được sự đồng thuận từ Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban, việc phân quyền là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng cũng cần phải có quy định rõ ràng về điều kiện, tiêu chí, trình tự và thủ tục cho vay để hạn chế rủi ro và đảm bảo tính minh bạch. Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành cũng cần được rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất khi chuyển giao thẩm quyền.
Một nội dung khác trong dự thảo Luật thu hút sự quan tâm là việc bổ sung quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng và đơn vị xử lý nợ. Theo đó, tổ chức tín dụng được phép thu giữ tài sản để xử lý nợ xấu, nhưng phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ và quy trình minh bạch, công bằng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc thu giữ không phải là hành động đơn phương hay tùy tiện. Luật mới quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, phạm vi, và điều kiện thu giữ, cũng như yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Tổ chức tín dụng chỉ có thể ủy quyền việc thu giữ cho công ty quản lý nợ của mình hoặc đơn vị tương ứng trong trường hợp tổ chức bị chuyển giao bắt buộc.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đồng tình với việc bổ sung cơ chế này trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 2,03% cuối năm 2022 lên 4,55% cuối năm 2023, và tiếp tục lên 4,75% vào tháng 7/2024, trước khi giảm nhẹ về mức 4,3% vào tháng 1/2025.
Để đảm bảo việc thu giữ diễn ra đúng luật và trật tự, Ủy ban đề xuất cần có hướng dẫn chi tiết từ Chính phủ, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương và công an cấp xã trong việc hỗ trợ giữ an ninh trật tự trong quá trình thu giữ. Đồng thời, việc xử lý tài sản sau thu giữ cũng phải được quy định cụ thể, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.
Dự luật sẽ tiếp tục được thảo luận tại tổ vào chiều cùng ngày, sau đó được Quốc hội xem xét tại hội trường vào ngày 29/5, và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 17/6 tới.