Đề xuất nghiên cứu luật chuyên biệt với người chưa thành niên
Tội phạm bắt cóc trẻ em tại nhà trẻ, người thân/người nuôi dưỡng xâm hại trẻ… đã khiến đại biểu Quốc hội đề xuất, nên chăng có luật chuyên biệt với người chưa thành niên để bảo vệ cũng như có các nội dung về tư pháp người chưa thành niên.
Sáng 21/11, thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến các loại hình tội phạm liên quan đến trẻ em.
Loạt diễn biến mới tội phạm liên quan trẻ em
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, thời gian qua xuất hiện loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh có con em gửi nhà trẻ.
Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa - đề cập đến tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng tăng, năm 2023 tăng 44,88% so với năm 2022, trong đó xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - chia sẻ về việc có sự gia tăng đáng kể về số lượng và tính chất nghiêm trọng trong các vụ bạo lực học đường. Tính từ tháng 9/2021 đến tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan 2.016 học sinh. "Điều đáng lo ngại, bạo lực học đường xảy ra không chỉ giữa học sinh với học sinh mà nghiêm trọng hơn còn xảy ra giữa thầy cô giáo với học sinh. Lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản, như va chạm trong lúc chơi đùa trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên diễn đàn và mạng xã hội…", đại biểu Minh Tâm nói.
Nâng cao giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách con người
Đai biểu Nguyễn Minh Tâm cho hay, hiện Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về phòng chống xâm hại trẻ em từ năm 2020. Pháp luật Việt Nam có quy định rõ ràng nhằm ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường. Luật Giáo dục năm 2019 quy định rằng các cơ sở giáo dục phải đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự và môi trường giáo dục lành mạnh. Việc xử lý các vụ việc bạo lực học đường cũng đã được quy định trong Luật Giáo dục và Luật Trẻ em. Về tư pháp người chưa thành niên, Việt Nam hiện nay đang có 7 bộ luật.
"Song tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bị xâm hại vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn tản mạn, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ. Các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên cả về hành chính và hình sự còn nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau, dẫn đến sự phân tán, khó thực hiện", đại biểu Minh Tâm nhận định.
Từ đó, đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, nên chăng nghiên cứu xây dựng và ban hành một đạo luật riêng, chuyên biệt quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề đối với người chưa thành niên. Từ các biện pháp bảo vệ người chưa thành niên đến các nội dung về tư pháp người chưa thành niên. Việc bảo vệ người chưa thành niên cần có cách tiếp cận riêng biệt. Cơ chế pháp lý đặc thù phù hợp với đặc điểm thể chất, tinh thần tâm sinh lý ở lứa tuổi này.
Còn đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, với sự phát triển của truyền thông, của mạng xã hội, mức độ lan tỏa thông tin đã biến đổi mạnh mẽ. Việc khai thác các tình tiết ly kỳ chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực. Ảnh hưởng đến cách thức nhìn nhận, đến hành vi của người tiếp cận thông tin.
Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề giáo dục, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích, làm rõ và đưa ra các giải pháp căn cơ. Nhất là giải pháp về giáo dục, hình thành nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người, cách tiếp cận, sàng lọc thông tin, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng... để từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.