Đề xuất ngừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy
Đề xuất này được đưa ra cho ý kiến tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Trình bày tờ trình của Chính phủ liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu thực tiễn cho thấy tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất phức tạp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo ở Thủ đô, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp để tăng tính răn đe, phòng ngừa.
Do đó, Điều 34 dự thảo Luật đã bổ sung HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định.
Đồng thời, mức phạt cũng không vượt quá mức tối đa của từng lĩnh vực theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm
Tại Điều 34 cũng quy định, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, Điều 35 còn quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật hiện hành quy định là ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, quy định cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của Hội đồng nhân dân, UBND quận, huyện, thị xã, như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, UBND, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Trình bày thẩm tra sơ bộ, liên quan các biện pháp bảo vệ thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Về tăng biên chế, thường trực Ủy ban thấy rằng quy định của dự thảo luật chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho thành phố Hà Nội là của cơ quan nào.
Theo ông Tùng, hiện tại, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị; vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào Luật.