Đề xuất người tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng thêm hai chế độ
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản khi sinh con và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang có hiệu lực thi hành, bảo hiểm xã hội bắt buộc có 5 chế độ gồm: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có hai chế độ là hưu trí và tử tuất.
Nhằm mở rộng lưới an sinh xã hội, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã đề xuất nhiều chính sách mới để tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, Điều 5 dự thảo Luật quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ: Trợ cấp thai sản khi sinh con; hưu trí; tử tuất; bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản khi sinh con và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, dự thảo Luật quy định rõ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản.
Mức hưởng trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu. Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng nêu trên thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ.
Trợ cấp thai sản khi sinh con do ngân sách nhà nước đảm bảo. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.