Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ô tô điện
Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất Chính phủ khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện và nhà sản xuất, lắp ráp cũng như cơ chế ưu đãi cho người sử dụng.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị 3 loại xe điện, bao gồm: xe ô tô điện chạy bằng pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ, ưu đãi phát triển. Đề xuất này là tin vui với các doanh nghiệp đang hoặc có kế hoạch sản xuất, lắp ráp ô tô điện như VinFast, CTCP ô tô TMT, CTCP Tập đoàn Thành Công và CTCP ô tô Trường Hải.
Cụ thể, đối với ô tô điện sản xuất lắp ráp, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển ô tô điện, đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng trong các luật liên quan. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ô tô điện thải bỏ.
Theo đó, bên cạnh việc bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, sản xuất pin vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất lắp ráp ô tô điện, pin xe điện; miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền và nhập khẩu tổng thành, linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện.
Về cơ chế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng xe ô tô điện, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cơ chế ưu đãi tiếp cận tài chính, tín dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cơ chế ưu đãi thuế ô tô điện nhập khẩu cũng được đề xuất.
Về cơ chế ưu đãi cho người sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với ô tô điện. Theo đó, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô tô điện. Đồng thời, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công, ưu tiên phát triển ô tô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.
Ngoài ra, tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị và ưu tiên điểm đỗ, giá gửi xe, giờ cao điểm.
Bộ cũng đề xuất về việc phát triển hạ tầng trạm sạc cần ban hành các quy chuẩn về trạm sạc điện, xây dựng kết nối trạm sạc điện công cộng trên các công trình hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế, ưu đãi tiền thuê đất, nghiên cứu tiếp cận quỹ, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện. Đồng thời, cần quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo.
Theo Bộ Giao thông Vận tải: “Nhiều doanh nghiệp đề xuất tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước. Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo”.
Số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu như từ năm 2018 - 2021, chỉ có 167 xe được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đến tháng 7/2023, con số này đã tăng lên gần 12.600 xe. Tuy nhiên, các loại xe ô tô điện tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là xe ô tô con và xe ô tô buýt thành phố.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện là VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup và CTCP ô tô TMT. Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Thành Công và CTCP ô tô Trường Hải cũng đã giới thiệu một số mẫu ô tô điện để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp trong nước.