Đề xuất nhiều giải pháp khơi nguồn cung vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam
Có 5 nhóm giải pháp vừa được Bộ GTVT đề xuất để kịp giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ GTVT vừa có công văn số 7649/BGTVT - CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Đây là kết quả kiểm tra hiện trường của 2 tổ công tác liên ngành tại các khu vực mỏ, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua, từ Hà Tĩnh tới Khánh Hòa và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để nắm bắt tình hình cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án thành phần và các khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng tháo gỡ.
5 nhóm giải pháp
Tại công văn dài tới 10 trang A4 này, thay mặt 2 tổ công tác, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai 5 nhóm giải pháp để kịp giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Một là, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022, trong đó cho phép UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương nói trên cũng được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng (sau khi đã rà soát, bổ sung) phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư phục vụ GPMB dự án đường cao tốc.
Hai là, Bộ NN&PTNT sớm nghiên cứu và hướng dẫn việc nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế với tinh thần rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng; về lâu dài, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 để tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện trồng rừng thay thế nhằm đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừngtheo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023 và thực hiện công tác quản lý, sử dụng tầng đất mặt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 94/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế.
Ba là, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, các địa phương để hướng dẫn các Chủ đầu tư xác định giá vật liệu tại mỏ (gồm giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù cây cối, hoa màu…).
Bốn là, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công: Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh trong quá trình lập, trình, hoàn thiện hồ sơ khai thác mỏ; thủ tục đất đai và thương thảo với các chủ đất khu vực mỏ; khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ đã trình vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023, đáp ứng nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án; khảo sát, đưa thêm các mỏ đáp ứng trữ lượng, chất lượng và thuận lợi về thủ tục đất đai vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023.
Năm là, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện các bước, trình tự, thủ tục khai thác vật liệu xây dựng bảo đảm tuân thủ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (bao gồm cả các thủ tục về đất đai), tránh phát sinh các thủ tục hành chính; thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định hồ sơ, đặc biệt chủ động thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu ngay trong giai đoạn lập, trình hồ sơ để sớm hoàn thiện thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, hoàn thiện thủ tục đất đai khu vực mỏ theo thẩm quyền, bảo đảm đủ điều kiện khai thác đáp ứng nhu cầu vật liệu năm 2023 vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023.
Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân, khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để thông qua trong kỳ họp tháng 7/2023 đối với các mỏ đã trình; trong kỳ họp cuối năm 2023 đối với các mỏ còn lại, bảo đảm hoàn thành toàn bộ thủ tục khai thác mỏ trong năm 2023.
UBND các tỉnh, thành phố triển khai thành lập tổ công tác bao gồm chính quyền địa phương, các Sở Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khẩn trương gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đã hết hạn, hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ đang tạm dừng khai thác để đáp ứng nhu cầu các dự án.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, UBND các tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác; thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường song song, đồng thời với quá trình hoàn thiện thủ tục khai thác nếu thấy cần thiết.
Theo đó, UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp xem xét để tiếp tục cung cấp cát (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) từ các mỏ đang khai thác trong tháng 7/2023; UBND tỉnh Vĩnh Long sớm chấp thuận giao 02 mỏ theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường để các nhà thầu triển khai thủ tục trong tháng 7/2023 và ưu tiên giao 3 mỏ còn lại cho các nhà thầu thi công Dự án được khai thác, bảo đảm đủ 5 triệu m3 cho Dự án; UBND tỉnh An Giang sớm xem xét có phương án cung cấp 3,7 triệu m3 còn lại, bảo đảm đủ khối lượng cát cho dự án.
Vẫn còn tâm lý e ngại từ cơ sở
Theo đánh giá của 2 tổ công tác, tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là các thủ tục về đất đai làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cụ thể, một số mỏ giao cho nhà thầu khai thác phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất và phải thông qua Hội đồng nhân dân (dự kiến họp từ ngày 12-21/7/2023). Để thực hiện việc này mất rất nhiều thời gian, thường nhà thầu không chủ động được. Một số mỏ qua khu vực rừng trồng, cần phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng địa phương không có quỹ đất trồng rừng thay thế (như tỉnh Bình Định) phải nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.
Các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chưa cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc nâng công suất các mỏ cát đang khai thác khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, vì vậy, các địa phương chưa triển khai các thủ tục nâng công suất để bảo đảm nguồn vật liệu cát cho các dự án.
Đối với các mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ đều yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng theo các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhà thầu không phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Vì vậy các địa phương có tâm lý e ngại, cho rằng các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.
Bên cạnh đó, sau khi UBND các tỉnh xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, các nhà thầu còn phải tiếp tục thực hiện các thủ tục về đất đai như thương thảo với chủ đất về phương án, giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất…, trong quá trình thương thảo, nhiều chủ đất yêu cầu mức giá cao hơn nhiều lần mức giá đền bù, hỗ trợ theo quy định dẫn đến việc đàm phán, thỏa thuận không thành công, nhiều nhà thầu phải chủ động khảo sát các mỏ mới không nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ do phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Theo đánh giá của Tổ công tác, các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được các địa phương quy hoạch, đưa vào Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, tuy nhiên một số địa phương chưa chủ động thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên sau khi được giao mỏ phải mất thêm nhiều thời gian các nhà thầu mới có thể khai thác được.
Hai tổ công tác ghi nhận việc một số sở, ban, ngành của địa phương chưa chủ động hướng dẫn nhà thầu xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và linh hoạt khi thực hiện các thủ tục nên một số mỏ sau khi hoàn thành các thủ tục không đủ điều kiện để UBND tỉnh xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, một số mỏ có thể cho phép khai thác từng phần nhưng chưa được xử lý.
Một số địa phương khi xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam, khả năng cung ứng từ các mỏ đang khai thác không đảm bảo nhưng chưa được áp dụng cơ chế đặc thù đối với các mỏ chưa khai thác mà phải thực hiện theo Luật khoáng sản và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, mất nhiều thời gian và không hoàn thành các khu tái định cư trước 30/6/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù trữ lượng đủ đáp ứng nhu cầu nhưng các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương, chưa ưu tiên ngay cho 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau nên việc cung ứng vật liệu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo còn chậm, kéo dài; khi thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ cát giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù nếu không thực hiện song song, đồng thời với quá trình hoàn thiện hồ sơ, khai thác sẽ khó đảm bảo có đủ vật liệu phục vụ thi công các dự án trong năm 2023.
Theo Bộ GTVT, do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%).