Đề xuất nhiều giải pháp phát triển các dự án đại đô thị
Sáng nay (24/9), tại TP. HCM đã diễn ra Hội thảo 'Sức bật từ các đại đô thị' do Tạp chí Nhà Đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ GTVT, các chuyên gia kinh tế và hơn 100 DN.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư cho biết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tại Việt Nam mô hình khu đô thị mới đã bắt đầu xuất hiện từ cách đây hơn 20 năm với sự hình thành các khu đô thị quy mô lớn, kiểu mẫu như khu đô thị Phú Mỹ Hưng hơn 400 ha tại TP. HCM hay Ciputra hơn 300 ha tại Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, những năm gần đây, nhiều khu đô thị mới do các chủ đầu tư trong nước đầu tư với diện tích hàng trăm ha gồm đầy đủ những phân khúc như: chung cư, nhà phố, biệt thự, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, mua sắm, tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH địa phương.
“Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án đại đô thị, trong đó có cả bất cập về luật pháp, chính sách quy hoạch, cũng như về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là kết nối giao thông cho phát triển đại đô thị chưa tương xứng”, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định rằng, sau thời gian bị nén, thị trường bất động sản sẽ được phục hồi theo hướng ổn định và có chất lượng cao hơn.
Nhìn dài hạn thì thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà phát triển với nhu cầu của 100 triệu người đang hướng tới mục tiêu có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trong đó có khoảng 15% thuộc tầng lớp trung lưu, do đó gia tăng nhanh chóng nhu cầu nhà ở, xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng kỷ thuật- xã hội.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, trên thị trường hiện nay có khá nhiều dự án đô thị quy mô lớn, tuy nhiên, nổi bật có thể kể đến một số dự án uy tín và khá thành công như dự án khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), dự án Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM) và gần đây là dự án Vinhome Ocean Park tại Quận Long Biên, Hà Nội. Các dự án trên được đánh giá là đã làm thay đổi đáng kể diện mạo thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vì có quy mô trên 400ha với hạ tầng và tiện ích đồng bộ.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, mặc dù năm 2020 còn nhiều khó khăn thách thức nhưng về cơ bản các nguồn vốn tài trợ cho thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khả năng phát triển.
Bước sang năm 2021, dự báo các nguồn vốn tài trợ bất động sản sẽ hồi phục mạnh do: kinh tế tăng trưởng và khả năng tăng thu nhập (như nêu trên); dòng vốn FDI tiếp tục được thu hút mạnh nhờ xu hướng chuyển dịch đầu tư và các hiệp định thương mại tự do FTA có hiệu lực và đi vào thực thi có hiệu quả; thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng được nâng hạng trong 1-2 năm tới, cùng với Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2021 sẽ tạo nhiều cơ hội thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp và vốn đầu tư tư nhân phát triển, kể cả các quỹ tín thác đầu tư BĐS.
Về giải pháp quản lý và phát triển đại đô thị tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường BĐS và các lĩnh vực liên quan, nhất là sửa đổi Luật đất đai, hướng dẫn Luật DN sửa đổi, Luật Đầu tư và Luật chứng khoán sửa đổi. Nghiên cứu cơ chế, hình thức đánh thuế tài sản là BĐS (thứ hai trở đi)…v.v.
Ông kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, tinh gọn thủ tục hành chính đối với công tác triển khai đầu tư dự án bất động sản, trong đó cần công bố rõ ràng cụ thể các quy trình công việc, đảm bảo tính khả thi có thể thực hiện được cho nhà đầu tư và các thành phần liên quan.
Nội dung quy trình, thủ tục công bố cũng cần làm rõ hơn các nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm phối hợp giữa các đầu mối cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường áp dụng quy trình số hóa tự động, chữ ký điện tử trong việc tiếp nhận, quản lý, phê duyệt hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và các thủ tục liên quan đến phát triển dự án bất động sản.
Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện, định hướng nhà đầu tư trực tiếp tham gia phát triển các dự án đại đô thị trong các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt; tránh tính trạng quy hoạch treo do thiếu đầu mối thực hiện hoặc không đủ nguồn lực thực hiện.
TS. Cấn Văn Lực còn nhấn mạnh, cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý Nhà Nước. Trong đó, có một số vấn đề cụ thể như chiến lược xây dựng các khu đô thị mới phải song hành với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông; song song với đó cần có chính sách ưu đãi kêu gọi các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển đô thị mới nhanh chóng và hiệu quả trong tương lai.
Dưới góc độ doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản, bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, xu thế phát triển các khu đô thị mới tại các thành phố lớn là tất yếu. Các khu đô thị mới hình thành tạo động lực phát triển quan trọng trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo bà Hương, để thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị mới một cách thuận lợi và hiệu quả vẫn cần sự quan tâm của cơ quản quản lý Nhà nước một số vấn đề.
Cần chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế xã hội tại các thành phố lớn theo đó định hướng các trục phát triển chính của thành phố theo hướng hình thành các khu đô thị vệ tinh phù hợp với tiềm năng phát triển của khu vực.
Đồng quan quan điểm, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, trong 5 năm gần đây, sự phát triển của Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành một cực đối trọng của TP.HCM, chứ không phải là vệ tinh phụ thuộc hạt nhân TP.HCM nữa. Ngoài yếu tố đất đai, con người, các địa phương này còn có yếu tố hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Theo ông Phúc, Đồng Nai có sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành, cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch… đủ sức hút người dân và nhà đầu tư về đây. Chính vì vậy, nếu như trước đây, nhu cầu phố thị như mua sắm vui chơi khiến người ta phải ở trung tâm thì nay đã dễ dàng được đáp ứng nhờ công nghệ mới, chẳng hạn trang mua bán và đội ngũ shipper nhanh gọn. Do vậy, nhu cầu phát triển các đô thị vệ tinh là cần thiết và chắc chắn sớm trở thành xu hướng nở rộ.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, sự thành công của đại đô thị thị Phú Mỹ Hưng và câu chuyện phát triển vùng TP.HCM mở rộng ra các tỉnh lân cận đã tạo các đợt sóng dự án lớn, dự kiến cao trào từ năm 2021 trở đi.
Theo ông Châu, lãnh đạo TP.HCM đã có một tầm nhìn về phát triển đô thị trung tâm và các khu đô thị vệ tinh. “Việc phát triển các khu đô thị lớn được quy hoạch bài bản, đồng bộ do những nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản lý sẽ làm cho bộ mặt đô thị của TP.HCM nói riêng và các tỉnh lân cận sẽ thay đổi”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Về giải pháp tích hợp quy hoạch phát triển bền vững TP.HCM với quy hoạch sử dụng đất, TS. Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất, Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ TN&MT cho rằng, phải quy hoạch các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh theo nguyên tắc thị trường, bắt đầu từ việc hình thành các trung tâm thương mại sử dụng đất thương mại, dịch vụ; tiếp theo là khu vực văn phòng, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp sử dụng đất sản xuất, kinh doanh trong đô thị; đất nhà ở tập thể, chung cư và cuối cùng là đất nhà ở đơn lập theo mô hình hướng tâm, nhiều lớp hình thành vùng đô thị trung tâm, với vùng đô thị vệ tinh và các hạt nhân là khu vực kinh doanh, thương mại nằm ở lõi trung tâm đô thị.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, các khách mời và đại biểu đã đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển các dự án đại đô thị hiệu quả, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung.