Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể

Sáng 5-11, tại hội thảo với chủ đề 'Giải pháp phát triển kinh tế tập thể bền vững' do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh, cho rằng: 'Hầu hết năng lực nội tại của hợp tác xã trong tỉnh còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao'.

Toàn cảnh hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế tập thể bền vững” do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế tập thể bền vững” do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang về phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, vấn đề đặt ra đối với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh là phải hỗ trợ cư dân nông thôn nâng cao nhận thức, phát huy nội lực, đổi mới phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh; giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề về nhân lực, tài chính.

Đến tháng 10-2023, toàn tỉnh Kiên Giang có 543 hợp tác xã đang hoạt động với tổng vốn điều lệ 426,1 tỷ đồng, trong đó Hội Nông dân các cấp vận động thành lập 198 hợp tác xã với có 67.672ha canh tác, 55.642 thành viên, tạo việc làm cho 10.251 lao động.

Thu hoạch lúa hè thu 2023 ở Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Thu hoạch lúa hè thu 2023 ở Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Hiện toàn tỉnh Kiên Giang mới có 16 hợp tác xã đăng ký hóa đơn giá trị gia tăng, chiếm tỷ lệ rất thấp so số lượng hợp tác xã toàn tỉnh.

Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đề nghị Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cần có chương trình phối hợp liên tịch với Cục Thuế tỉnh Kiên Giang hướng dẫn đăng ký hóa đơn với cơ quan thuế.

Tiến sĩ Trần Minh Hải cho rằng, để phát triển, các hợp tác xã phải hoạt động đảm bảo theo nguyên tắc hỗ trợ, tương trợ thành viên tốt hơn trong sản xuất, đời sống; đồng thời, phải mua chung, bán cùng để kiểm soát chất lượng, đảm bảo số lượng hàng hóa lớn, lâu dài, tăng khả năng làm dịch vụ… nhằm lấy chiết khấu phục vụ hoạt động hợp tác xã.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Dũng - nói: “Hầu hết hợp tác xã của tỉnh quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất. Qua khảo sát, có 85% hợp tác xã có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng chỉ có 0,6% số hợp tác xã tiếp cận được vốn”.

Ông Lê Thế Sua - Giám đốc Hợp tác xã tôm - cua - lúa Thuận Phát kiến nghị Chính phủ có cơ chế để các hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất.

Ông Lê Thế Sua - Giám đốc Hợp tác xã tôm - cua - lúa Thuận Phát kiến nghị Chính phủ có cơ chế để các hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất.

Tại hội thảo, ông Lê Thế Sua - Giám đốc Hợp tác xã tôm - cua - lúa Thuận Phát, huyện An Minh (Kiên Giang) kiến nghị các sở, ngành, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP; kiến nghị Chính phủ có thêm cơ chế để các hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất.

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/de-xuat-nhieu-giai-phap-phat-trien-kinh-te-tap-the-17449.html