Đề xuất nhiều quy định dẹp bát nháo xe điện du lịch

Những đề xuất mới được kỳ vọng xóa bỏ tình trạng xe điện bốn bánh đón, chở khách tự phát, đi sai luồng tuyến tại các khu du lịch, gây bức xúc cho người dân và du khách.

Nhiều bất cập, rủi ro

Xe điện 4 bánh phục vụ du lịch tại TP Quy Nhơn (Bình Định) thường xuyên vi phạm, vượt khỏi phạm vi được phép hoạt động.

Những ngày cuối tháng 9, có mặt tại khu vực phía trước bến xe khách và nhà thờ đá thị xã Sa Pa (Lào Cai), PV ghi nhận tình trạng xe điện bốn bánh đậu đỗ tràn lan trên lòng đường mời chào khách, gây cảnh lộn xộn, mất ATGT.

Đại diện Thanh tra giao thông, Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị đã xử lý nhiều vi phạm, chủ yếu là các lỗi đỗ xe không đúng quy định, chạy không đúng tuyến đường, phạm vi cấp phép hoạt động.

Tương tự, tại Hạ Long, tháng 6/2023, qua kiểm tra, đoàn liên ngành do Sở GTVT Quảng Ninh chủ trì kiểm tra 114 phương tiện cũng phát hiện nhiều sai phạm như chạy không đúng lộ trình, không kê khai giá, niêm yết giá vé; chở quá số người quy định.

Còn tại khu du lịch thị xã Cửa Lò, Nghệ An, gần 560 xe điện hoạt động chưa được đăng ký, đăng kiểm và chỉ có 171 xe có đủ hồ sơ, giấy tờ có thể kiểm định.

Tuy nhiên, do đã hoạt động thời gian dài, nhiều xe trong số này khó đạt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, đến nay có khoảng 7.000 xe điện bốn bánh chở người nhập khẩu về Việt Nam song chỉ có hơn 2.800 xe đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Đại diện Phòng Quản lý chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, xe điện bốn bánh tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế tại các địa phương được Chính phủ cho phép thí điểm đều phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Xe không tham gia giao thông (hoạt động trên đường chuyên dùng nội bộ của các cơ quan, đơn vị) thì không cần thực hiện quy định này.

Thực tế, theo ghi nhận, tại nhiều khu du lịch như: Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính (Ninh Bình), Phoenix Mộc Châu (Sơn La)… đang có hàng trăm xe điện bốn bánh chở khách du lịch tham quan trong nội khu, thậm chí vượt rào ra đón khách trên đường, bán vé thu tiền nhưng không đăng ký, đăng kiểm.

Cá biệt thời điểm đông khách, những chiếc xe bốn bánh còn vô tư chở quá số người quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất ATGT.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các xe này hoạt động ở khu vực nội bộ của các khu du lịch nên không thuộc đối tượng phải thực hiện quy định tại Thông tư 86.

Luật hóa để quản chặt

Để giải quyết tình trạng trên, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất nhiều giải pháp.

Trong đó, bổ sung thuật ngữ về xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái).

Đồng thời, đề xuất quy định điều kiện hoạt động kinh doanh của phương tiện này: Xe phải được đăng ký, gắn biển số, kiểm định theo quy định; lắp thiết bị giám sát hành trình, niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật mới được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải.

Tổ chức, cá nhân không được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để tham gia giao thông ngoài mục đích kinh doanh vận tải.

Dự thảo cũng quy định UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về thời gian, phạm vi hoạt động, trình tự, thủ tục cho phép hoạt động vận chuyển khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Quốc Toàn, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai, việc bổ sung quy định như trên là cần thiết. Bởi số lượng xe hoạt động tại các địa phương hiện nay rất lớn, trong khi chưa có hành lang pháp lý cụ thể để quản lý.

"Luật hóa quy định đăng ký, đăng kiểm xe bốn bánh chở người sẽ nâng cao chất lượng phương tiện, đảm bảo an toàn cho du khách.

Quy định lắp thiết bị giám sát hành trình cũng sẽ tạo thuận lợi trong giám sát hoạt động phương tiện", ông Toản nói và cho rằng, nếu dữ liệu từ thiết bị được truyền về phần mềm quản lý của Cục Đường bộ VN tương tự như với ô tô kinh doanh vận tải hiện nay, chia sẻ cho các sở GTVT địa phương, cho phép sử dụng để phạt nguội sẽ giúp ngăn tình trạng xe hoạt động vượt quá phạm vi quy định, mất ATGT.

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc rà soát, nghiên cứu để luật hóa về trách nhiệm của các khu du lịch, yêu cầu đăng ký phương tiện để quản lý chặt chẽ hơn là rất cần thiết.

Theo đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT, trước khi chuyển sang quy định tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, nội dung liên quan đến xe điện bốn bánh chở khách cũng từng quy định tại dự thảo Luật Đường bộ.

Tuy nhiên, chỉ áp dụng cho các phương tiện tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ, đối với các xe di chuyển trong đường nội bộ ở các khu du lịch không thuộc diện quản lý. Trường hợp xảy ra sự cố, đơn vị chủ quản của các khu vực này phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-nhieu-quy-dinh-dep-bat-nhao-xe-dien-du-lich-19223092822582658.htm