Đề xuất những giải pháp thực hiện giãn cách xã hội 'chọn lọc'

Với quan điểm kiểm soát và sống chung an toàn với dịch bệnh, các địa phương cần có những giải pháp giãn cách xã hội 'chọn lọc'.

Hơn 80% bệnh nhân mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, gần tuần qua chúng ta chưa ghi nhận ca mắc mới. Đây cũng là kết quả sau 2 đợt cao điểm thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Với quan điểm kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội, các địa phương cần có những hoạt động ra sao để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo được đời sống cho người dân.

Với quan điểm kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội, các địa phương cần có những hoạt động phù hợp (Ảnh: Văn Ngân)

Với quan điểm kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội, các địa phương cần có những hoạt động phù hợp (Ảnh: Văn Ngân)

Từ 9h sáng 22/4, UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang quyết định phong tỏa toàn bộ thị trấn Đồng Văn với hơn 7.600 nhân khẩu. Ông Nguyễn Đình Dích, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, ngày 16/4, Hà Giang có ca bệnh đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 (còn gọi là bệnh nhân số 268). Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và có tiếp xúc gần F1 với 56 người, trong đó có 20 nhân viên y tế, tiếp xúc F2 với 84 người.

Để kiểm soát, khoanh vùng và dập dịch tại thị trấn Đồng Văn nói riêng, tại tỉnh Hà Giang nói chung, ông Nguyễn Đình Dích cho biết: "Chúng tôi đã khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, phong tỏa thị trấn trên quy mô lớn như vậy khó khăn vì đường món lối mở rất nhiều, huyện Đồng Văn lại là huyện khó khăn 30A, bà con chủ yếu dân tộc Mông nên cần tuyên truyền… Hiện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh cũng xuống hỗ trợ, tôi hy vọng với các giải pháp như vậy sẽ không có ca mắc mới và dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát".

Trao đổi với phóng viên VOV về những dự trù trong công tác phòng chống dịch sau thời điểm giãn cách xã hội, ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh thông tin, trong số 4 bênh nhân mắc Covid 19, hiện đã có 3 bệnh nhân được điều trị khỏi ra viện, chỉ còn 1 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo trong tình trạng sức khỏe ổn định. 32 người tiếp xúc F1, F2 đang cách ly tại đây cũng đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Trước đó, gần 7.500 người đã hoàn thành thời gian cách ly tại các khu cách ly tập trung của tỉnh. Hơn 10.000 xét nghiệm Covid-19 đang được triển khai trong cộng đồng.

Từ kinh nghiệm phòng chống dịch Covid 19 thời gian vừa qua, ông Lê Ngọc Châu đề xuất những giải pháp thực hiện giãn cách xã hội “chọn lọc”.

Theo đó, từ ngày 23/4, ngành y tế đề xuất Hà Tĩnh tiếp tực thực hiện giãn cách xã hội có chọn lọc, gắn với việc vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó thực hiện tốt việc giám sát, tầm soát kịp thời phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng, kịp thời cách ly, kịp thời khoanh vùng, phòng chống dịch triệt để. Bên cạnh đó, tăng cường tầm soát bằng xét nghiệm đối với trường hợp ho, khó thở đối với người từ vùng dịch về, tiếp tục theo dõi những ng ng từ nước ngoài về, từ những khu cách ly về để có những giải pháp về y tế việc phát hiện ca bệnh trong cộng đồng và kịp thời ngăn chặn.

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh, tỉnh Lào Cai cũng đang đưa ra các phương án vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo đời sống cho người dân. Về phòng chống dịch, Lào Cai đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành của huyện, xã, thôn đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát các đối tượng nguy cơ. Ngoài 884 người đang được cách ly tập trung, các lực lượng chức năng còn phát hiện, xử lý vi phạm các trường hợp không chấp hành quy định giãn cách xã hội trên địa bàn.

Ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết, để phòng tránh trường hợp ca bệnh xâm nhập như Hà Giang, tất cả các đối tượng đi về từ vùng dịch đều được đưa vào các khu cách ly tập trung của tỉnh.

"Để phòng tránh dịch bệnh xâm nhập, hiện nay tỉnh Lào Cai yêu cầu phía Trung Quốc khi chuyển đưa người về Việt Nam phải qua cửa khẩu chính, để tỉnh đưa về khu cách ly của tỉnh; đối với nhân dân đi qua đường mòn lối mở, hệ thống biên phòng phát hiện ra thì đưa về khu cách ly tập trung. Các trường hợp đã về nhà rồi thì đón về các khu cách ly tập trung", ông Hương cho biết thêm.

Để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, một số tỉnh, thành phố đề xuất nới lỏng vòng trong đối với một số lĩnh vực kinh doanh, cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống... theo hướng có kiểm soát chặt. Ban chỉ đạo phòng chống Covid 19 quốc gia đề nghị các tỉnh thực hiện tốt mục tiêu 4 an toàn: Sản xuất kinh doanh, đi lại, đi học và khám chữa bệnh an toàn.

Ông Trần Đắc Phu, cố vấn Ban chỉ đạo nhấn mạnh thêm, khi thực hiện các nguyên tắc an toàn, người dân vẫn cần tuân thủ đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần, không nên tụ tập đông người, hạn chế đi ra khỏi nơi ở nếu không cần thiết và khai báo y tế. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành ở nhóm nguy cơ thấp sẽ duy trì sản xuất, kinh doanh trở lại. Theo ông Trần Đắc Phu, khi có lượng lớn người lao động tại các tỉnh, thành phố trở lại làm việc, việc phòng chống dịch cần được chi tiết, tỉ mỉ, tránh rơi vào trường hợp như Singapo dịch bệnh bùng phát trở lại.

Theo đó, các tỉnh phải quy định cho các xí nghiệp, nhà máy như đo nhiệt độ của công nhân vào, bố trí ngồi cách nhau, kể cả ăn cơm cũng ngồi cách, đeo khẩu trang… và khu ở của công nhân cũng phải có quy định tối thiểu, quan trọng nhất là đeo khẩu trang, rồi sự tiếp xúc giữa các nhà công nhân với nhau, hạn chế sự tiếp xúc giữa các gia đình công nhân với nhau... làm sao phòng bệnh tối đa, tránh bài học như Singapore. Quan trọng nhất là làm sao phát hiện những ca bệnh đầu tiên để khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế được ổ dịch.

Đối với địa phương có nguy cơ cao sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 cho từng quận, huyện đến ngày 30/4/2020. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, các biện pháp nới lỏng đều trên tinh thần khoa học có gắn với thực tiễn từng địa phương. Các địa phương cũng rất thận trọng khi đánh giá và đưa ra các mức nguy cơ của mình.

"Không phải ở quy mô ở tỉnh mà trong từng tỉnh cần quản rất chặt các khu cửa khẩu. Thứ hai lưu ý các nơi tập trung nhiều người lao động, người lao động tự do, rồi khu ở nhà trọ. Thứ ba tăng cường các hướng dẫn đảm bảo mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn. Thứ 4, đặc biệt khi mở lại thì giao thông đi lại cần hướng dẫn chi tiết", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ./.

Thúy Ngà/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/san-sang-cac-muc-tieu-kep-sau-gian-cach-xa-hoi-1040573.vov