Đề xuất nối lại đường bay Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10-10

Bộ Giao thông - Vận tải vừa tiếp tục có đề xuất về kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội, dự kiến áp dụng từ ngày 10-10 tới.

Theo văn bản của Bộ Giao thông Vận tải gửi UBND thành phố Hà Nội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 6-10 về việc nối lại đường bay nội địa, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay đi và đến Hà Nội theo 2 phương án.

Phương án 1, tổ chức chuyến bay giữa Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều). Phương án 2, chỉ tổ chức vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh với tần suất ban đầu là 4 chuyến bay/ngày.

Đối với các địa phương khác, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay đối với từng địa phương. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được văn bản thống nhất của các địa phương sẵn sàng kết nối chuyến bay thường lệ chở khách đi và đến Hà Nội gồm: Điện Biên, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc hoàn thiện kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ chở khách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, dự kiến mở lại 10 đường bay nội địa từ ngày 10-10 trên cơ sở ý kiến thống nhất của các địa phương, gồm các đường bay giữa thành phố Hồ Chí Minh - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc (Kiên Giang), Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phú Quốc.

Tại văn bản này, VABA cho biết, hàng không là ngành mang tính động lực có vai trò to lớn đối với kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không vận chuyển 116 triệu khách trong nước và quốc tế, đạt doanh thu trên 200.000 tỷ đồng, nộp thuế phí trực tiếp và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. Doanh nghiệp hàng không bị lỗ ngày càng lớn, dự báo năm 2021 có thể lên tới 20.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng.

Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai sân bay trọng yếu, chiếm gần 90% số lượng khách và doanh thu của các hãng hàng không trong nước. Nếu Nội Bài tiếp tục ngừng tiếp nhận khách bay thương mại thường lệ, sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng không, cho người dân và kế hoạch phục hồi kinh tế của đất nước.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1013993/de-xuat-noi-lai-duong-bay-ha-noi---thanh-pho-ho-chi-minh-tu-ngay-10-10