Đề xuất phổ cập môn Taekwondo trong các trường mầm non dân lập ở Hà Nội

Tọa đàm 'Chương trình phổ cập môn Taekwondo phát triển kỹ năng vận động cho trẻ 4-5 tuổi các trường mầm non dân lập trên địa bàn TP Hà Nội'.

Trẻ mầm non trình diễn tại Festival Taekwondo Kindergarten “Hana Taekwondo cup”, sáng 28/7.

Trẻ mầm non trình diễn tại Festival Taekwondo Kindergarten “Hana Taekwondo cup”, sáng 28/7.

Theo ông Bùi Văn Quyết – Giám đốc Hệ thống Trung tâm Hana Taekwondo Academy, hoạt động thể thao có vai trò quan trọng đối với trẻ nhỏ 4-5 tuổi. Taekwondo là môn võ thuật hiện đại; đồng thời là môn nghệ thuật phát triển mạnh trên thế giới và ở Việt Nam.

Hiện, nhiều tổ chức giảng dạy môn Taekwondo với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chưa có sự thống nhất cũng như nghiên cứu khoa học nào về chương trình giảng dạy môn Taekwondo cho trẻ 4- 5 tuổi.

Qua khảo sát và nghiên cứu, ông Bùi Văn Quyết nhận thấy, trên TP Hà Nội, nhiều trường mầm non dân lập đang giảng dạy môn Taekwondo dưới hình thức câu lạc bộ ngoại khóa, tiết học năng khiếu, môn học tự chọn…

Giáo viên giảng dạy là các huấn luyện viên Taekwondo có trình độ chuyên môn nhưng chưa có nghiệp vụ về sư phạm mầm non. Tùy vào kinh nghiệm của huấn luyện viên, các bài tập đưa ra là ngẫu nhiên, tự phát. Do vậy, các tiết học thiếu sự thống nhất, đồng bộ và kế thừa. Trẻ chưa phát huy hết khả năng vì vậy mục tiêu của môn học chưa thực sự hiệu quả.

 Ông Bùi Văn Quyết.

Ông Bùi Văn Quyết.

Ở trong nước, đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về các bài tập thể chất cho trẻ, ông Bùi Văn Quyết chia sẻ và cho rằng, các đề tài tập trung vào việc sử dụng các bài tập vận động như: gymkids hay các hoạt động thể chất vận động cơ bản nhằm phát triển kỹ năng vận động.

“Hiện chưa đề tài nghiên cứu nào về các bài tập môn Taekwondo, ông Bùi Văn Quyết nhìn nhận và nhận thấy, trên thế giới chưa có một công trình nghiên cứu nào được công bố về vấn đề chương trình giảng dạy Taekwondo cho trẻ 4-5 tuổi. Một số tài liệu được phát hành dưới dạng truyện tranh hoặc các video ngắn tự phát và không có số liệu minh chức khoa học cụ thể.

Từ những vấn đề nêu trên, ông Bùi Văn Quyết cho rằng, cần thiết có chương trình phổ cập môn Taekwondo phát triển kỹ năng vận động cho trẻ 4-5 tuổi; trước hết là thực hiện ở các trường mầm non dân lập trên địa bàn TP Hà Nội. Đây cũng là vấn đề mà ông Bùi Văn Quyết trăn trở và quyết tâm thực hiện bằng một đề tài nghiên cứu khoa học để làm luận án tiến sĩ.

Nhấn mạnh đến từ khóa “yêu thích”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Hà Nội cho rằng, quan trọng là làm thế nào để trẻ yêu thích môn Taekwondo. Bởi phải thích thì trẻ mới theo và phụ huynh mới đồng tình, ủng hộ.

“Muốn vậy, tạo ấn tượng cho trẻ khi học Taekwondo. Nên chăng, tổ chức nhiều Festival về bộ môn này, tạo sân chơi thực hành cho trẻ; trên hết là các em sẽ được trình diễn với những gì đã học” - ông Nguyễn Mạnh Hùng tư vấn.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ở lứa tuổi mầm non, việc đầu tiên là truyền cảm hứng để các em cảm nhận được đây là môn võ, có tinh thần võ thuật. Vì vậy, chúng ta chưa cần đề cập đến những vấn đề chuyên sâu, khái niệm mang tính học thuật.

Cũng không nên “tham” các bài tập kỹ thuật. Thay vào đó, cần chú ý các bài tập thuận theo con người như: đấm tay thẳng về phía trước, đá lăng chân thẳng, đá vòng cầu, đứng tấn… Những bài tập kỹ thuật đơn giản nhưng sẽ giúp cho trẻ cảm nhận được “mình có võ”.

Làm sao kích thích sự hưng phấn của trẻ với Taekwondo là gợi ý của PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm Thể dục thể thao, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Thể thao.

Với trẻ mầm non 4-5 tuổi, nên tập trung phát triển kỹ năng mềm dẻo, nhanh, linh hoạt, hạn chế các bài tập về sức mạnh, sức bền. Ở lứa tuổi này, nên để trẻ vừa học, vừa chơi chỉ, từng bước hình thành thói quen tập luyện, chưa vội đưa vào bài tập kỹ thuật khó, chuyên sâu. Theo đó, nên đưa các bài tập trò chơi vận động vào giảng dạy cho trẻ.

 Màn trình diễn trẻ công phá bằng chân.

Màn trình diễn trẻ công phá bằng chân.

Về lâu dài, để Taekwondo trở thành bộ môn được giảng dạy trong các trường mầm non, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương cho rằng, cần tính tính đến cơ sở pháp lý. Theo đó, chương trình giảng dạy cần được thẩm định.

TS Nguyễn Ngọc Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh, giảng viên bộ môn Võ – Quyền Anh, Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh khuyến nghị, trong kiểm tra đánh giá nên dựa theo tiêu chí học mà chơi, chưa nên tập trung sâu vào chuyên môn kỹ thuật.

Trong khuôn khổ của Tọa đàm đã diễn ra Festival Taekwondo Kindergarten “Hana Taekwondo cup”.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-pho-cap-mon-taekwondo-trong-cac-truong-mam-non-dan-lap-o-ha-noi-post693479.html