Đề xuất phương án gỡ khó cho 5 dự án ở TP.HCM

Bộ KH&ĐT đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ ngay khó khăn đối với 5 dự án ở TP.HCM trên nguyên tắc 'vướng ở cấp nào thì cấp đó xử lý'.

Thực hiện yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho năm dự án ở TP.HCM.

Xử lý vướng mắc của dự án là “rất cần thiết”

Với hạ tầng giao thông, hiện TP.HCM đang gặp khó khăn ở dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP Thủ Đức.

Dự án này được chính quyền TP và nhà đầu tư ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ngày 25-11-2016. Theo đó, TP sử dụng 6 khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư chưa được thể hiện trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Vì vậy, TP đang kiến nghị Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện Thủ tướng đang giao Bộ KH&ĐT thực hiện việc thẩm định.

 Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 đang tạm dừng đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 đang tạm dừng đầu tư.

Theo Bộ KH&ĐT hợp đồng BT dự án trên được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành nên cần tiếp tục thực hiện triển khai, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bộ này cho biết căn cứ quy định chuyển tiếp ở Luật PPP, việc điều chỉnh phải do Thủ tướng quyết định.

Bộ KH&ĐT cũng khẳng định việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án là rất cần thiết, do đây là những vấn đề tồn đọng lâu, có thể gây lãng phí nguồn lực, có thay đổi pháp luật giữa các thời kỳ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi còn có ý kiến khác nhau giữa các thành viên Chính phủ.

Căn cứ quy chế làm việc của Chính phủ, Thủ tướng quyết định để Chính phủ thảo luận và quyết nghị việc chấp thuận cho điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Trên cơ sở đó, chính quyền TP thực hiện thủ tục thẩm định điều chỉnh báo cáo và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình khi thực hiện điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nêu trên.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị UBND TP.HCM chịu trách nhiệm, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán dự án sau khi hoàn thành làm cơ sở tổ chức thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng. Công tác này phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác, không để lãng phí, thất thoát.

Hai dự án thành phần Saigon Centre có khuyết điểm

Về dự án Saigon Centre, báo cáo của TP.HCM cho thấy dự án này được cấp thẩm quyền cấp phép đầu tư năm 1993, đến năm 1996 dự án được chia thành năm dự án thành phần (Saigon Centre I, II, III, IV và V).

Hiện nay, dự án Saigon Centre I, II, III đi vào hoạt động. Riêng dự án thành phần Saigon Centre II, cơ quan có thẩm quyền đã rà soát và nhận thấy thấy mục đích sử dụng đất và chức năng công trình sai với giấy phép. Cụ thể dự án được cấp phép là xây văn phòng, dịch vụ căn hộ cho thuê nhưng lại xây khách sạn.

Các dự án thành phần Saigon Centre IV, V chưa triển khai xây dựng do gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh thời hạn hoạt động và mục tiêu hoạt động của dự án và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được hoàn tất (còn các đơn vị thuộc Bộ GTVT đang trú đóng).

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh dự án. Hiện Bộ KH&ĐT đang thực hiện công tác thẩm định để trình Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư với hai dự án thành phần này.

Khó khăn về việc thanh toán dự án bằng đất

Với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn 1), báo cáo của TP cho thấy đây là dự án triển khai theo hợp đồng BT, được ký kết giữa chính quyền TP với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 9.976 tỉ đồng.

Số tiền trên TP thực hiện thanh toán theo hai hình thức là 16% tổng vốn đầu tư thanh toán bằng quỹ đất và 84% thanh toán bằng ngân sách TP.

Đến nay, dự án đã triển khai thi công đạt hơn 90% khối lượng công việc. Nhà đầu tư giải ngân khoảng 8.200 tỉ đồng và cần huy động vốn để tiếp tục thi công hoàn thành công trình khoảng 1.800 tỉ đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp khó khăn về việc thanh toán cho dự án bằng đất. Dù Chính phủ có nghị 40/2021 để xử lý vướng mắc nhưng đến nay TP vẫn chưa thực hiện được thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư.

 Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM. Ảnh: Bảo Phương

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM. Ảnh: Bảo Phương

Trên cơ sở đó, chính quyền TP tiếp tục kiến nghị điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án mà không thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thanh toán cho nhà đầu tư bằng đất như đã ký kết.

Thêm vào đó, cho phép TP dùng số tiền hơn 3.000 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư phần khối lượng hoàn thành. Song song đó, ủy quyền, hoặc giao cho Chủ tịch UBND TP thẩm quyền quyết định sử dụng quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư.

Theo Bộ KH&ĐT, việc TP đưa ra đề nghị điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi là có cơ sở. Tuy nhiên, việc giao chủ tịch TP sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư đối với hai khu đất được thu hồi theo Luật Đất đai là "không có cơ sở pháp lý".

Đối với dự án Saigon Sports City, được cơ quan thẩm quyền chấp thuận xây dựng năm 2003. Dự án có mục tiêu là xây dựng và khai thác kinh doanh một Trung tâm huấn luyện và giải trí thể dục thể thao.

Đến năm 2009, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó bổ sung, làm rõ mục tiêu dự án bao gồm: Khu 1 - Trung tâm Huấn luyện tập thể dục thể thao và dịch vụ phục vụ thể thao; Khu 2 - Trung tâm Dịch vụ của khu liên hợp thể dục thể thao kết hợp nhà ở cao tầng và các tiện ích công cộng khu ở.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận đầu tư nêu trên tiếp tục kế thừa nội dung: Đối với đất dùng xây nhà ở để bán cần trả lại Nhà nước nhằm xử lý theo chủ trương chung của TP.

 Phối cảnh của khu đô thị phức hợp thông minh Saigon Sports City. Ảnh: Saigon Sports City

Phối cảnh của khu đô thị phức hợp thông minh Saigon Sports City. Ảnh: Saigon Sports City

Hiện nay, nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh: Bổ sung mục tiêu nhà ở để bán; bỏ nội dung “đối với đất dùng xây nhà ở để bán cần trả lại Nhà nước để xử lý theo chủ trương chung”; tăng tổng vốn đầu tư; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; điều chỉnh nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết

Với thực tiễn và tiến độ nêu trên, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn với 5 dự án.

Trong đó, hai dự án Saigon Centre IV và V; dự án Saigon Sports City, Bộ KH&ĐT đề xuất được chủ trì thẩm định báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư và trình Thủ tướng phủ xem xét, quyết định.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến Nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 và dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ chấp thuận điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

Song song đó, TP.HCM được giao thực hiện thủ tục lập, thẩm định, điều chỉnh báo cáo này đối với hai dự án, chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình khi thực hiện điều chỉnh dự án.

Về việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, Bộ KH&ĐT đề xuất TP có thể sử dụng khu đất thuộc trường hợp xếp lại, xử lý tài sản để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, quỹ đất được Nhà nước giải phóng mặt bằng hoặc làm trụ sở làm việc, TP phải báo cáo Thủ tướng quyết định.

Cần giải quyết sớm để tránh lãng phí

Bộ KH&ĐT cho biết việc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các công việc quan trọng, liên ngành sẽ tháo gỡ cho các dự án đầu tư trên phạm vi cả nước, khơi thông các điểm nghẽn, huy động các nguồn lực của xã hội, sớm đưa các dự án này vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí, thất thoát.

Khi xác định thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư thuộc cấp nào thì cấp đó xử lý. Cụ thể, thẩm quyền thuộc TP.HCM thì địa phương phải giải quyết, thẩm quyền thuộc các bộ, ngành thì các bộ, ngành phải giải quyết, thẩm quyền thuộc Thủ tướng thì Thủ tướng phải giải quyết…

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-phuong-an-go-kho-cho-5-du-an-o-tphcm-post835716.html