Đề xuất Quốc hội có gói khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội

ĐB đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ cho người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người thân mất trong đại dịch COVID-19.

Sáng 27-5, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Quốc hội giám sát phát triển nhà ở xã hội

Nêu ý kiến, ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) tán thành việc đưa chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) năm 2015 đến hết 2023 vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Theo ông Hoàn, chính sách NƠXH là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trước năm 1992, nhà nước thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước. Năm 1991, với sự ra đời về pháp lệnh về nhà ở, chính sách bao cấp về nhà ở mới được xóa bỏ.

Khái niệm NƠXH xuất hiện lần đầu trong Luật Nhà ở năm 2005. Luật Nhà ở 2014, nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế tài chính khác để hỗ trợ thực hiện chính sách NƠXH.

ĐB Lê Thanh Hoàn nói việc thực hiện chính sách NƠXH còn cách rất xa mục tiêu. Ảnh: QH

ĐB Lê Thanh Hoàn nói việc thực hiện chính sách NƠXH còn cách rất xa mục tiêu. Ảnh: QH

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hoàn, việc thực hiện chính sách này còn khoảng cách rất xa với mục tiêu và yêu cầu đề ra.

“Thực tế có tình trạng NƠXH ở địa điểm không có người tham gia, trong khi có nơi số lượng người tham gia quá đông. Cách xác định đối tượng người mua NƠXH cũng còn nhiều dư luận khác nhau”- ông Hoàn nói và đề nghị cần định hình rõ cơ chế, chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ chính sách NƠXH.

“Phạm vi giám sát cần toàn diện, cần có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở”- ông Hoàn nói và cho rằng, thời gian giám sát nên bắt đầu từ năm 2006 (thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005) cho đến hết 2023.

Về nội dung giám sát, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần tập trung làm rõ ai đang sinh sống trong NƠXH, tổ chức nào cung cấp NƠXH, NƠXH được hỗ trợ thế nào, thực trạng quản lý, việc sử dụng NƠXH thời gian qua như thế nào?... Đồng thời, cần làm rõ một số nội dung như: môi trường, cơ sở vật chất của các khu nhà NƠXH.

Sau giám sát phải có sự thay đổi

Là người phát biểu sau cùng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), cho biết ông có rất nhiều bức xúc cần phải phát biểu ngay.

Ông bày tỏ sự ủng hộ triển khai chuyên đề giám sát số 1 về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mong muốn sau giám sát phải có sự chuyển động, thay đổi, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.

ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn cho an sinh xã hội. Ảnh: QH

ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn cho an sinh xã hội. Ảnh: QH

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 đến nay mới giải ngân được 87.300 tỉ đồng/301.000 tỉ đồng, không kể 46.000 tỉ đồng cho y tế. Tức là tốn thời gian 1,5 năm mới đạt tỉ lệ giải ngân 29%, trong khi gói hỗ trợ này chỉ có thời hạn hai năm.

“Chúng ta thấy chỉ có một gói triển khai tương đối tốt là gói về đầu tư hạ tầng. Các thành viên Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng kể cả lễ Tết, ngày nghỉ, ngày thứ Bảy cũng đi lăn xả, giám sát công trình nên chúng ta thấy cao tốc Bắc - Nam triển khai khá hiệu quả”- ông Ngân nhận xét.

Ngoài ra, vị ĐBQH đoàn TP.HCM cũng chỉ rõ hiện nay tổng cầu thế giới và trong nước đã suy giảm, các siêu thị khuyến mãi rất nhiều nhưng doanh thu rất khó.

Từ đó, ông Ngân đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người thân mất trong đại dịch COVID-19.

Khi phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý: “Đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội, hôm nay có Thủ tướng dự, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ nghiên cứu để báo cáo có tiếp thu, giải trình trong phiên kết luận về thảo luận về kinh tế - xã hội trong năm 2023”.

Quốc hội sẽ chọn hai chuyên đề giám sát tối cao

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn bốn chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn hai chuyên đề để giám sát tối cao, hai chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-quoc-hoi-co-goi-khan-cap-hon-de-ho-tro-an-sinh-xa-hoi-post735240.html