Đề xuất Quốc hội xem xét tăng thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh trong việc chuyển mục đích sử dụng đất

Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 27/10 về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Văn Hữu- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến đối với dự thảo nội dung này.

Đại biểu Hoàng Văn Hữu- Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình và nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với 4 tỉnh và thành phố này. Đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng, những tỉnh, thành phố được thí điểm là những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi và rất nhiều dư địa cho phát triển, kể cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trong khi đó các quy định của hệ thống pháp luật hiện nay chưa thực sự thông thoáng để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động và bứt phá. Đây cũng là việc thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp vốn, nhanh chóng phát huy lợi thế sẵn có để thực hiện mục tiêu đưa 4 tỉnh, thành phố nói trên phát triển nhanh, bền vững. Từ đó có tác động lan tỏa ra các địa phương, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vùng cũng như cả nước nói chung.

Đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng, nội dung cơ bản của dự thảo các Nghị quyết đã thể hiện đầy đủ. Trong đó, có những địa phương có 6 cơ chế đặc thù, có địa phương là 8, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Đối với chính sách về đất đai, cụ thể là việc chuyển mục đích sử dụng đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ: Để thực hiện việc phân cấp, phân quyền, tạo chủ động cho địa phương trong quá trình triển khai chuyển mục đích sử dụng đất, Chính phủ đã kiến nghị giao Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô dưới 50ha, đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 50ha. Đây là giải pháp tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực trên địa bàn các tỉnh. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong thời gian tới tiến hành rà soát tổng thể chung cả nước, đề xuất Quốc hội xem xét tăng thẩm quyền đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm tạo điều kiện cho các địa phương. Đại biểu Hoàng Văn Hữu kiến nghị Quốc hội sẽ sớm nghiên cứu, điều chỉnh sửa Luật Đất đai. Bởi vì tác động của chính sách này đối với sự phát triển của các tỉnh rất rõ ràng. Nếu như cơ chế này được phân cấp đến các tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh liên quan rất tốt trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, đại biểu bày tỏ đồng tình rằng ngân sách tăng thu cũng như các nguồn đặc thù dành cho các địa phương có thế mạnh về thu ngân sách về điều kiện kinh tế... Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng cần tính đến yếu tố đối với các địa phương như các tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... còn rất hạn chế. Việc phát triển các cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài các chính sách hiện nay, theo tôi nghĩ rằng Chính phủ phải quan tâm điều tiết hợp lý, tránh tình trạng tỉnh nào mạnh, tỉnh nào có lợi thế thì tỉnh đó được quan tâm, được ưu ái, thiếu sự điều tiết của Chính phủ hoặc của Trung ương.

Để đảm bảo tính bao quát, tính đại diện trong hoạch định cơ chế, chính sách về quan điểm về phát triển kinh tế trong giai đoạn mới; thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2025, năm 2030 đạt được những mục tiêu đề ra, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị Chính phủ nên mở rộng thí điểm thêm ở các địa phương, đại diện những vùng miền khác nhau, có các điều kiện khác nhau để có những đánh giá tổng thể hơn. Đại diện mỗi vùng có một hai địa phương thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp phân quyền, sau khi kết thúc giai đoạn cần tổ chức đánh giá tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm từ đó có đầy đủ cơ sở hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước trong giai đoạn tới…/.

N.V

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/chinh-tri/202110/de-xuat-quoc-hoi-xem-xet-tang-tham-quyen-cho-hdnd-cap-tinh-trong-viec-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-ccc0652/