Đề xuất quy định cơ chế tài chính của Đài Truyền hình Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế tài chính của Đài Truyền hình Việt Nam (THVN).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong các năm qua, Nhà nước đã có điều chỉnh các chế độ, chính sách, gồm: Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Luật Đầu tư công số 39/2019/QH13 ngày 13/6/2019; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 60/2022/NĐ-CP ngày 8/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài THVN.

Như vậy, thời gian qua đã có sự thay đổi của nhiều văn bản pháp lý làm căn cứ để Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2009/TT-BTC ngày 21/01/2009 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Đài THVN, căn cứ ban hành Thông tư số 34/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương đối với Đài THVN. Do đó, một số nội dung hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Đài THVN tại Thông tư số 09/2009/TT-BTC đã không còn phù hợp, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề cần xử lý và cần có những quy định mới để điều chỉnh cho phù hợp.

Việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tài chính của Đài THVN được tiến hành trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo chủ yếu và hướng đến các mục đích xây dựng cơ chế tài chính của Đài THVN trên cơ sở cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; cụ thể hóa nội dung chính sách đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Nghị định số 60/2022/NĐ-CP về vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp đối với Đài THVN.

Bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định này gồm 6 Chương và 13 Điều, nội dung chính như sau:

Chương I: Quy định chung - Bao gồm các quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc quản lý tài chính đối với Đài THVN.

Chương II: Quản lý sử dụng vốn - Bao gồm các quy định về: Quản lý sử dụng vốn, tài sản.

Chương III: Doanh thu và chi phí - Bao gồm các quy định về: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ; Doanh thu và thu nhập khác; Chi phí hoạt động kinh doanh, dịch vụ; Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.

Chương IV: Kết quả sản xuất kinh doanh và phân phối kết quả sản xuất kinh doanh - Bao gồm các quy định về: Phân phối kết quả tài chính trong năm; trích lập quỹ và sử dụng các quỹ.

Chương V: Lập kế hoạch tài chính, thực hiện kế hoạch tài chính, chế độ kế toán, quyết toán, thống kê, kiểm toán, báo cáo và công khai tài chính.

Chương VI: Tổ chức thực hiện - Quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan, điều khoản thi hành và nội dung khác.

Một số đặc thù trong quản lý tài chính của Đài THVN thời gian qua

Theo quy định của Luật báo chí, Đài THVN được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp, là Đài truyền hình quốc gia, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BTC, từ năm 2009, Đài Truyền hình Việt Nam đang thực hiện cơ chế tài chính như doanh nghiệp; tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên;

Theo Báo cáo của Đài THVN cho thấy, bên cạnh việc thực hiện cơ chế quản lý doanh thu, chi phí trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ như doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam được ngân sách nhà nước cấp vốn đầu tư công; kinh phí thường xuyên thực hiện các chương trình, đề án, kinh phí sự nghiệp đào tạo. Do đó, trên thực tế, nếu theo phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự đảm bảo kinh phí hoạt động theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, có thể xem Đài THVN thuộc Nhóm 2 (Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên). Tuy nhiên, đối với cơ chế tài chính, nhiều nội dung đang vận dụng theo cơ chế doanh nghiệp.

Ngoài hoạt động thu, chi tài chính trong hoạt động thường xuyên, Đài THVN được giao là đại diện chủ sở hữu nhà nước phần vốn đầu tư, góp vốn thành lập 05 doanh nghiệp.

Với thực tế trên cho thấy, Đài THVN có đặc thù vừa có hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực báo chí, truyền thông nhưng được vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp, trong đó có hoạt động kinh doanh, đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

Đề xuất cơ chế tài chính của Đài THVN

Nội dung cơ bản về cơ chế tài chính của Đài THVN trong dự thảo Nghị định đề xuất quy định các nội dung sau:

Các quy định các nguyên tắc quản lý;

Quản lý vốn, tài sản của Đài Truyền hình Việt Nam;

Quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp;

Doanh thu, chi phí;

Kết quả tài chính và phân phối kết quả tài chính, trích lập và sử dụng các quỹ;

Công tác kế toán, thống kê, kiểm toán, quyết toán và công khai tài chính;

Công tác lập kế hoạch tài chính, tổ chức thực hiện và báo cáo tài chính.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-co-che-tai-chinh-cua-dai-truyen-hinh-viet-nam-102240801152052197.htm